Khoản viện trợ mới sẽ bao gồm máy bay không người lái (UAV) Hornet do FLIR Systems chế tạo, đạn dược phòng không, xe bọc thép và vũ khí chống tăng. Trong số các khí tài này, UAV Hornet sẽ lần đầu tiên được gửi đến Ukraine.
Theo thông tin được truyền thông Mỹ đăng tải trước đó, gói viện trợ này cũng bao gồm các loại tên lửa cho Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến (NASAMS), cũng như các loại tên lửa Stingers và Javelins. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cung cấp đạn pháo và 32 chiếc xe tăng Stryker, cùng thiết bị nổ, súng cối, rocket Hydra-70 và 28 triệu viên đạn cho vũ khí loại nhỏ.
Mỹ triển khai gói viện trợ này bằng cách sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA), cho phép Chính phủ Mỹ chuyển các vật phẩm và dịch vụ từ kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
Đây là gói hỗ trợ an ninh thứ 43 của Mỹ dành cho Ukraine. Mỹ đã viện trợ quân sự hơn 43 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra tháng 2 năm ngoái.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy đã ký kết thỏa thuận chuyển giao khoản đóng góp tài chính tự nguyện của Na Uy cho Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) để cung cấp thiết bị quân sự cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Đáp ứng nhu cầu của Ukraine, Na Uy dành riêng số tiền này để cung cấp đạn dược và phụ tùng cho xe tăng Leopard II.
Hôm 14/2, Chính phủ Na Uy đã công bố quyết định hỗ trợ cho Ukraine thông qua EPF với khoản đóng góp tài chính tự nguyện là 250 triệu NOK (khoảng 22 triệu euro). Việc ký kết ngày 25/7 là bước đi chính thức hóa quyết định này.
Đây là lần thứ hai Na Uy đóng góp tài chính cho EPF, sau lần đầu tiên vào tháng 10/2022, qua đó nâng tổng số đóng góp lên 400 triệu NOK (tương đương 36,5 triệu euro).