“Tôi rất cảm kích vì Ba Lan đã cho nhiều binh sĩ Mỹ đến như vậy đóng quân. Hiện tại, 12.600 binh sĩ Mỹ đang ở trên lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan. Con số cao nhất từ trước đến nay”, truyền thông Ba Lan dẫn lời Đại sứ Mark Brzezinski ngày 19/5 trong chuyến thăm của ông tới cuộc tập trận Defender Europe 22 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Quân đội Ba Lan miêu tả cuộc tập trận là "một cuộc kiểm tra tốc độ di chuyển nhanh chóng của quân đội và các trang thiết bị". Quân đội các nước NATO đã "thực hành vận chuyển đường sắt và đường bộ cũng như vượt chướng ngại vật đường thủy”.
Hiện Mỹ không có căn cứ quân sự thường trực ở Ba Lan, mặc dù Warsaw đã nhiều lần vận động hành lang để có được căn cứ này. Thậm chí trong một nỗ lực thuyết phục cựu Tổng thống Donald Trump khi ông còn đương chức, người Ba Lan còn đề xuất xây dựng căn cứ và gọi nó là “Pháo đài Trump”.
Trong một tuyên bố ngày 19/5, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawicki nhấn mạnh “các căn cứ thường trực của NATO” cần hiện diện tại các quốc gia dọc sườn đông. Nhà lãnh đạo cho biết chính quyền Ba Lan ủng hộ việc xây dựng các căn cứ quân sự đóng quân lâu dài cho các lực lượng NATO.
“Ba Lan đang chuẩn bị xây dựng các căn cứ để các lực lượng hạng nhẹ của liên minh đóng quân thường xuyên tại đây”, truyền thông dẫn phát biểu của Thủ tướng Morawicki tại một hội nghị.
Tổng cộng có khoảng 100.000 lính Mỹ được điều động tới châu Âu. Một số thành viên NATO cũng đã điều động binh sĩ đến sườn phía đông của liên minh, trải dài từ Estonia đến Romania, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2.
Trong một đề xuất mật được tờ Washington công bố, các nước bao gồm Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia mới đây đã yêu cầu NATO đóng quân thường trực khoảng 6.000 binh sĩ trên lãnh thổ của mỗi quốc gia và có một đội quân 20.000 người sẵn sàng triển khai trong trường hợp bị Nga tấn công. Bốn quốc gia này cũng muốn xây dựng các căn cứ thường trực cho lực lượng quy mô sư đoàn, với các trang thiết bị và vật tư được chuẩn bị trước. “Nga có thể nhanh chóng tập trung lực lượng quân sự ở biên giới phía đông của NATO”, tài liệu viết.
Ba Lan hiện đóng vai trò là cơ sở hậu cần chính của NATO, cung cấp vũ khí và các viện trợ quân sự khác cho Ukraine. Warsaw cũng đã gửi cho Kiev trên 200 xe tăng, cũng như pháo binh, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và đạn dược.