Theo đài RT, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga Valery Gerasimov và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley ngày 19/5 đã có cuộc điện đàm hiếm hoi.
Ông Gerasimov và ông Milley đã thảo luận về một loạt vấn đề cùng quan tâm, trong đó có cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố. Nguồn tin cho biết thêm cuộc điện đàm diễn ra theo đề nghị của phía Lầu Năm Góc, song không tiết lộ chi tiết mà hai bên đã trao đổi.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Tướng Milley nói: “Lãnh đạo quân đội hai nước đã thảo luận về một số vấn đề cùng quan tâm liên quan tới an ninh và đã nhất trí duy trì đường dây liên lạc mở”.
Phát biểu tại Brussels cùng ngày, Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh châu Âu của NATO, ông Tod Wolters, bày tỏ hy vọng cuộc điện đàm giữa Tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Milley sẽ giúp tiến gần hơn tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Cuộc điện đàm cấp cao hiếm hoi này diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu có cuộc trao đổi đầu tiên kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
Lần gần đây nhất Tướng Gerasimov và Tướng Milley điện đàm là ngày 18/2, sáu ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Sau ngày 24/2, tới nay, Mỹ và Nga vẫn duy trì một đường dây nóng để tham vấn và tranh xảy ra những tính toán sai lầm hay leo thang cuộc xung đột.
Tham mưu trưởng quân đội Nga, Mỹ thảo luận về khủng hoảng Ukraine
Báo The Hill dẫn lời quan chức cấp cao Mỹ cho biết trước khi chiến sự bùng phát giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đề xuất tổ chức một cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga-Mỹ mở rộng để thảo luận về "an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu". Theo nguồn tin này, các bước chuẩn bị dự kiến bắt đầu giữa Nga và Mỹ vào ngày 24/2.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki khi đó tuyên bố Mỹ cam kết theo đuổi tiến trình ngoại giao kể từ khi căng thẳng tại khu vực Ukraine leo thang và Tổng thống Joe Biden đã chấp nhận trên nguyên tắc một cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin nếu giao tranh không nổ ra giữa Moskva và Kiev.
Trước đó, loạt quan chức trong chính quyền của Tổng thống Biden đã lên tiếng bảo vệ quyết định trì hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, bất chấp sức ép ngày càng gia tăng từ phe đối lập ở Mỹ. Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng mục đích của các biện pháp trừng phạt trước hết là nhằm ngăn chặn Nga không đi tới chiến tranh và một khi kích hoạt những biện pháp trừng phạt đó thì việc ngăn chặn cũng không còn.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Ngoại trưởng Blinken rằng vẫn còn “con đường ngoại giao” để ngăn chặn bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định việc trừng phạt Nga ngay lúc này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình tại Ukraine.
Phát biểu trước báo giới ngày 29/3, người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng mặc dù việc cá nhân Tổng thống Mỹ chỉ trích người đồng cấp Nga gây tác động xấu lên mối quan hệ song phương, nhưng Moskva và Washington vẫn cần phải tổ chức đối thoại bất kể trường hợp nào đi chăng nữa, vì lợi ích của toàn thế giới.
“Dù cách này hay cách khác, dù sớm hay muộn, chúng tôi sẽ phải đối thoại về các vấn đề ổn định chiến lược, an ninh v.v... Hay nói cách khác, những vấn đề trên là điều duy nhất mà chúng tôi có thể và nên thảo luận”, ông Dmitry Peskov nói.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Dmitry Peskov đưa ra khi có phóng viên đặt câu hỏi liệu rằng Tổng thống Putin có muốn gặp gỡ hoặc đàm phán với Tổng thống Biden hay không. Trước đó, bản thân ông chủ Nhà Trắng khẳng định không loại trừ khả năng gặp trực tiếp người đồng cấp Nga, song ông cho biết triển vọng tổ chức đàm phán sẽ phụ thuộc vào chương trình nghị sự giữa hai bên.
Dù cuộc chiến Nga/Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, song giới quan sát cho rằng việc Nga và Mỹ duy trì thường xuyên đường dây nóng là tín hiệu mang lại hy vọng cuộc xung đột này sẽ không leo thang tới mức mất kiểm soát và triển vọng về một giải pháp thông qua đàm phán vẫn còn.