Một quan chức Bộ Các lực lượng Vũ trang của Pháp xác nhận Ankara đã từ bỏ các ý kiến phản đối kế hoạch trên.
Một nhà ngoại giao NATO cũng cho biết các kế hoạch phòng thủ cuối cùng đã nhận được sự đồng thuận. Dù chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đặt ra bất kỳ điều kiện nhượng bộ nào hay không, nhưng một nhà ngoại giao khác của NATO tiết lộ Ankara đã nhất trí do sức ép của 29 quốc gia đồng minh khác cuối tháng 6 vừa qua.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Raimundas Karoblis nhấn mạnh việc kích hoạt kế hoạch phòng thủ "Eagle Defender" là "một thành công đối với tất cả các quốc gia thành viên NATO".
Phía Ba Lan cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin trên.
Kế hoạch phòng thủ đối với Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia - thuộc diện tuyệt mật nên không được tiết lộ - được soạn thảo theo đề xuất của 4 nước này sau sự kiện Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này vào năm 2014. Kế hoạch đã được lãnh đạo các nước thành viên NATO, trừ Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Anh hồi tháng 12 năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng quyền phủ quyết để không thông qua kế hoạch nhằm gây sức ép với NATO phải có hành động đối với Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), mà chính quyền Ankara coi là nhóm khủng bố.