Trong bài diễn văn quan trọng đề ra “tầm nhìn 10 năm của NATO”, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg nêu rõ NATO không coi Trung Quốc là một kẻ thù mới. Tuy nhiên, ông kêu gọi liên minh quân sự này đương đầu với cách hành xử “bắt nạt và áp bức” của Bắc Kinh. Ông Stoltenberg đánh giá Trung Quốc là mối đe dọa đối với các xã hội mở và tự do cá nhân.
Tổng Thư ký Stoltenberg cho rằng NATO cần “một cách tiếp cận toàn cầu hơn” nhằm đối phó với cái mà nhà lãnh đạo này coi là “mối đe dọa do Trung Quốc gây ra”, đồng thời hối thúc NATO có những liên kết mật thiết hơn nữa với những quốc gia như Australia và New Zealand.
Ông nói: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, gia tăng sức nóng của cuộc chạy đua giành ưu thế về kinh tế và công nghệ… Họ (Trung Quốc) đang tiến gần hơn trong không gian mạng. Chúng ta thấy Trung Quốc ở Bắc Cực, châu Phi, trong (các dự án) đầu tư cơ sở hạ tầng then chốt. Tất cả những điều này đang gây hậu quả an ninh cho các đồng minh NATO. Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, giúp hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, cùng với đó, chúng tôi cũng thấy một thực tế rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ đang là nước chi ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, đầu tư mạnh mẽ vào năng lực quân sự hiện đại, trong đó có những tên lửa với tầm bắn có thể vươn tới mọi quốc gia thành viên NATO”.
Trang theaustralian.com dẫn phát biểu của ông Stoltenberg cho hay, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã theo đuổi một lối hành xử gây hấn ở Biển Đông, thông qua cơ chế chấp hành an ninh quốc gia bảo vệ Đặc khu Hành chính Hong Kong, còn gọi là luật an ninh quốc gia về Hong Kong.
Trong tầm nhìn tới năm 2030, Tổng Thư ký Stoltenberg cho rằng NATO cần tăng cường hợp tác với các quốc gia như Australia, Nhật Bản, New Zealand hay Hàn Quốc để bảo vệ các thể chế và luật pháp quốc tế.
Tương lai của NATO sẽ phụ thuộc vào cách thức liên minh điều chỉnh trước tình hình mới hiện nay. Ông hối thúc các nước thành viên duy trì quân đội mạnh mẽ, đoàn kết hơn trên mặt trận chính trị và mở rộng phạm vi tiếp cận ra toàn cầu để có thể cạnh tranh trong một thế giới đang ngày càng cạnh tranh hơn, cũng như phải tiếp tục đầu tư cho các lực lượng vũ trang và năng lực quân sự hiện đại.
NATO hiện đối mặt với nhiều thách thức kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền tháng 1/2017. Nhà lãnh đạo Mỹ thúc đẩy quan điểm các nước thành viên phải tăng chi tiêu quốc phòng và gánh vác phần trách nhiệm tài chính lớn hơn nữa trong liên minh.
Mới đây nhất, Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về kế hoạch đến mùa Thu năm 2020 rút từ 5.000 đến 15.000 binh sĩ trong tổng số khoảng 35.000 lính Mỹ khỏi Đức. Tờ "Thời báo Phố Uôn" cho biết Tổng thống Trump muốn rút 9.500 lính Mỹ khỏi Đức trong tháng 9 tới và sẽ giới hạn lâu dài ở con số khoảng 25.000 binh sĩ.