Một trong những phương án được cân nhắc là thiết lập khu vực phi quân sự do lực lượng châu Âu giám sát. Động thái này nhằm bảo vệ Ukraine mà không gây thêm căng thẳng với Nga. Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết tình hình bất ổn hiện tại đòi hỏi các cuộc đàm phán sớm được khởi xướng.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo Ukraine có một vị thế mạnh mẽ trước khi tiến tới bất kỳ cuộc đàm phán nào. Ông khẳng định: "Chúng ta không chỉ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến, mà cần cung cấp đủ nguồn lực để thay đổi cục diện xung đột này một cách triệt để".
Trong bối cảnh Nga đạt bước tiến trên chiến trường Donbass, các đồng minh NATO đang nỗ lực cân nhắc các biện pháp như tăng cường cung cấp vũ khí, đồng thời chuẩn bị cho khả năng đàm phán hòa bình trong tương lai. Đối với các đồng minh châu Âu, đây cũng là cơ hội để chứng minh khả năng duy trì ảnh hưởng và đảm bảo an ninh khu vực, đặc biệt khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức với định hướng cắt giảm chi tiêu cho xung đột.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán còn đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt với lập trường cứng rắn của Moskva. Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục yêu cầu Ukraine áp dụng quy chế trung lập, không gia nhập khối NATO và phi quân sự hóa.
Mặc dù có nhiều tranh luận về thời điểm và điều kiện để bắt đầu các cuộc đàm phán, một nhà ngoại giao cấp cao nhận định: "Tình hình ở Ukraine không thể duy trì lâu dài và đàm phán là điều tất yếu."