Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Thượng tướng Sergey Karakaev trả lời phỏng vấn báo “Sao đỏ” của Quân đội LB Nga cho biết tất cả tác động của việc Mỹ rút khỏi INF, đưa tên lửa tầm trung vào châu Âu và những nguy cơ nảy sinh đe dọa nền an ninh của Nga đều được tính đến.
Theo đó, một trong các biện pháp đối phó là từ nay cho đến hết năm Nga có kế hoạch phiên chế cho Quân đội khoảng 100 mẫu vũ khí mới, trong đó có tên lửa Yars cố định và di động. Đây cũng là sự đáp trả đối với việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu. Ông Karakaev cho biết, Nga tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật quân sự cho phép giảm đáng kể hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.
Hôm 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khả năng Mỹ rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” có tầm bay có thể vi phạm quy định của INF. Tuy nhiên, Moskva khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.