Theo Ngoại trưởng Pompeo, những tuyên bố của Tổng thống Putin nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận vào các cáo buộc của Mỹ rằng Moskva vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh châu Âu hoàn toàn ủng hộ quyết định của Mỹ (về việc rút khỏi INF), đồng thời khẳng định Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ cùng nhau tiến bước trong việc đảm bảo an ninh cho người dân Mỹ.
Trước đó, ngày 22/2, trong Thông điệp liên bang thường niên được đọc trước Hội đồng LB (Thượng viện) Nga, Tổng thống Putin đã cảnh báo Mỹ không triển khai bất kỳ tên lửa mới nào tại châu Âu sau khi INF sụp đổ, khẳng định Moskva sẽ đáp trả tương xứng bằng cách triển khai các vũ khí nhằm vào "những trung tâm đưa ra quyết định quan trọng".
INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa "Novator 9M729". Phía Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Moskva cũng cho rằng Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Ngày 1/2 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ngày 6/2, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một sự đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này.
Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh cuộc chạy đua vũ trang mới.