Vừa mong thảo luận, vừa chuẩn bị động thái quân sự nhằm vào kho tên lửa của Nga
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tôi hy vọng chúng ta có thể đưa tất cả mọi người vào một căn phòng lớn đẹp đẽ và tạo ra một hiệp ước tốt đẹp hơn”.
Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ông nhấn mạnh tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Washington đã tuân thủ hiệp ước trong hơn 30 năm và sẽ không tiếp tục chịu hạn chế bởi điều khoản của INF, trong khi Nga lại có hành động vi phạm.
Ông khẳng định một khi các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí với Nga được hoàn tất, Washington sẽ sẵn sàng cho mối quan hệ nổi bật về kinh tế, thương mại và chính trị và các cấp quân sự với Moskva. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nói rằng sẽ thảo luận với các đồng minh chuẩn bị cho động thái quân sự tiềm tàng nhằm vào kho tên lửa của Nga.
Nga tuyên bố Mỹ thực hiện chiến lược từ bỏ các cam kết quốc tế
Liên quan đến vấn đề Mỹ rút khỏi INF , Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong chương trình "60 phút" trên kênh truyền hình Rossya-1 ngày 1/2 khẳng định: Rút khỏi INF là một phần trong chiến lược quốc gia của Mỹ về từ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau.
Theo hãng tin Nga TASS, bà Zakharova nhấn mạnh: "Trên thực tế đây chỉ là một phần trong chiến lược chung của Mỹ nhằm phá vỡ và rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, đây không phải là vấn đề lỗi của Nga đối với việc vi phạm hiệp ước này. Đây cũng không phải là vấn đề Trung Quốc hay các nhân tố an ninh quốc tế khác. Đây thực chất là chiến lược của Mỹ về từ bỏ các cam kết quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lưu ý đến việc Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Phòng thủ tên lửa với lý do lo ngại mối đe dọa từ Iran, từ các phần tử khủng bố quốc tế. Nhưng khi thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran được ký kết, chính giới Mỹ lại tuyên bố vấn đề không phải ở Iran và việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa vẫn sẽ được tiếp tục.
Tiếp đó, bà Zakharova dẫn ví dụ về lĩnh vực sinh thái. Mỹ đã rút khỏi các hiệp ước về sinh thái và môi trường. Hay như Mỹ rút khỏi các cam kết nhân đạo trong khuôn khổ Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO). Đây không phải vấn đề an ninh hay gánh nặng tài chính, cũng như chưa đề cập tới các cam kết tài chính hay kinh tế - thương mại. Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh vấn đề chính ở đây là Mỹ quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa bá quyền để giải quyết mọi vấn đề. Đây là câu chuyện từ bỏ trách nhiệm đối với các hiệp ước quốc tế.
Trước đó ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington từ ngày 2/2 tạm ngừng thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ INF và sau 6 tháng sẽ rút khỏi hiệp ước nếu Nga không có động thái nào nhằm quay trở lại thực hiện hiệp ước. Mỹ lần đầu tiên cáo buộc Nga vi phạm INF vào tháng 7/2014. Sau đó Washington nhiều lần lập lại cáo buộc này. Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc này đồng thời đưa ra cáo buộc ngược lại rằng chính Mỹ vi phạm INF.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Tháng 10/2018, Tổng thống Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là 2/2 tới. Tuy nhiên, Nga kiên quyết không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF.
LHQ và châu Âu hy vọng cứu vãn hiệp ước
Sau khi Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong vòng 6 tháng với lý do cho rằng Nga đã vi phạm hiệp ước này, ngày 1/2, Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều nước châu Âu đã bày tỏ hy vọng hai cường quốc này có thể giải quyết được những khác biệt về hiệp ước.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Tổng Thư ký(TTK) LHQ Stephan Dujarric cho biết, TTK Antonio Guterres hy vọng các bên liên quan sẽ sử dụng khoảng thời gian 6 tháng tới để giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại, như đã quy định trong hiệp ước. Ông Dujarric nhấn mạnh: "INF rõ ràng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cấu trúc kiểm soát vũ khí quốc tế. Vấn đề giải giáp luôn là một phần quan trọng trong công tác kiểm soát vũ khí cũng như chương trình nghị sự của TTK LHQ".
Trong khi đó, TTK Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết liên minh này đang tìm cách cứu vãn INF sau khi Mỹ tuyên bố rút lui. Theo quan chức này, các nước NATO chưa phải ngay lập tức đối mặt với những mối đe dọa, song sự bất ổn sẽ ngày càng gia tăng. Hiện NATO vẫn đang xem xét nhiều kịch bản quân sự khác nhau và vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định.
Từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại để duy trì INF giữa Nga và Mỹ. Phát biểu trước báo giới, bà nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thảo luận về INF trong những tuần qua, kể cả trong khuôn khổ NATO. Chúng tôi sẽ làm tất cả trong khoảng thời gian 180 ngày để tiếp tục đàm phán". Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định an ninh trên thế giới sẽ trở nên tồi tệ nếu INF bị phá vỡ. Nghị sĩ Đức Alexander Neu lại cho rằng châu Âu không thể giao cho Mỹ trọng trách bảo đảm an ninh, sau khi Washington quyết định ngừng tham gia hiệp ước INF.
Không chỉ có Đức, Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ hối tiếc trước việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF, đồng thời kêu gọi Nga tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận này rong vòng 6 tháng tới. Bộ trên cũng khẳng định Pháp sẽ thúc đẩy các cuộc đối thoại với Nga trong khoảng thời gian 6 tháng và sẽ tham vấn với các đồng minh NATO.
Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl cũng bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Mỹ quyết định ngừng tham gia INF. Bà Kneissl nói: "Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước INF là điều vô cùng đáng tiếc. Việc Mỹ và Nga ký kết hiệp ước này vào năm 1987 là dấu hiệu của sự tan băng trong quan hệ giữa hai nước. Đây là một cột mốc quan trọng của sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz cho rằng việc Mỹ triển khai binh sĩ và tên lửa hạt nhân tới châu Âu sẽ phù hợp với lợi ích của người dân châu lục này.