Đây là lời khẳng định của ông Vladimir Ermkov, người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ông Ermkov hiện là người dẫn đầu phái đoàn Nga tại Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi giải quyết các vấn đề giải trừ quân bị.
Theo ông Ermkov, Nga tin rằng Mỹ sẽ không từ bỏ ý tưởng tiến hành một vụ thử hạt nhân toàn diện như một phần của quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
"Washington tiếp tục duy trì địa điểm thử nghiệm hạt nhân Nevada trong tình trạng báo động cao. Chúng tôi tin rằng người Mỹ sẽ không từ bỏ ý tưởng tiến hành một vụ thử hạt nhân chính thức như một phần của quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ”, ông Ermkov nhấn mạnh.
Vị quan chức ngoại giao này tuyên bố Nga sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) trong trường hợp rút lại phê chuẩn hiệp ước. Ông cho biết việc rút lại phê chuẩn không làm suy yếu cách tiếp cận mang tính xây dựng của Nga đối với CTBT và không có nghĩa là Moskva có ý định nối lại các vụ thử hạt nhân.
"Nga đã phê chuẩn CTBT vào năm 2000 và kể từ đó đã kiên nhẫn chờ đợi Mỹ thực hiện bước đi tương tự. Tuy nhiên, không có triển vọng nào cho thấy Washington có ý định làm điều này", ông Ermkov nói thêm Nga không tin vào lý do chính quyền Mỹ có "trục trặc" với Quốc hội về việc phê chuẩn.
Ông Ermkov khẳng định Nga sẽ không tiến hành các vụ thử hạt nhân trước và sẽ chỉ thực hiện chúng nếu Mỹ thực hiện những bước đi như vậy.
"Như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga vào ngày 21/2/2023, chúng tôi sẽ không phải là nước đầu tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân. Nga sẽ chỉ làm điều này nếu Mỹ làm trước", ông Ermkov nói.
Trong phiên toàn thể của Hội nghị Thường niên Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai lần thứ 20 diễn ra ở Sochi hôm 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moskva có thể rút lại việc phê chuẩn hiệp ước CTBT từ Hạ viện.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nga Vyacheslav Volodin ngày 6/10 cho biết Hạ viện sẽ xem xét rút lại việc phê chuẩn văn kiện này trong phiên họp sớm nhất.