Theo đài Sputnik (Nga), ông Aleksey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết: “Tôi muốn lưu ý ngay rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus là lời đáp trả đối với chính sách hạt nhân gây bất ổn lâu dài của NATO và Washington, cũng như những thay đổi cơ bản xảy ra gần đây ngay trong chính vấn đề an ninh châu Âu”.
Ông Polishchuk nhấn mạnh việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus là biện pháp ngăn chặn bắt buộc nhằm đảm bảo an ninh cho Belarus, quốc gia có không gian phòng thủ chung với Nga. Do đó, giả thuyết rút vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ Belarus chỉ có thể thực hiện nếu Mỹ và NATO từ bỏ chính sách phá hoại an ninh của Nga và Belarus. Ông Polishchuk giải thích điều này có nghĩa là Mỹ phải rút hoàn toàn tất cả vũ khí hạt nhân cũng như cơ sở hạ tầng tương ứng của Mỹ khỏi châu Âu.
Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo theo đề nghị của phía Belarus, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ nước láng giềng tương tự cách Mỹ đã làm lâu nay trên lãnh thổ các nước đồng minh.
Đến tháng 6, nhà lãnh đạo Nga cho biết Moskva đã chuyển giao phần đầu đạn hạt nhân đầu tiên cho Belarus và sẽ hoàn thành nhiệm vụ chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật vào cuối năm nay. Ông Putin tuyên bố việc triển khai vũ khí hạt nhân tại quốc gia đồng minh là yếu tố răn đe và là tín hiệu cho bất kỳ đối thủ nào nghĩ đến việc gây ra thất bại chiến lược cho Nga.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 13/6 thông báo Belarus đã bắt đầu tiếp nhận đầu đạn hạt nhân chiến thuật từ Nga, trong đó có một số vũ khí có sức công phá mạnh gấp 3 lần hai quả bom nguyên tử Mỹ từng sử dụng trong Thế chiến thứ 2.
Ngay sau khi Moskva triển khai vũ khí hạt nhân ở nước láng giềng, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Nga và Belarus. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16/6 cho hay: “Thật mỉa mai khi Nga giờ đây lại nói về việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ một quốc gia láng giềng, trong đó có những nước đã từ bỏ loại vũ khí này sau khi Liên Xô tan rã”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ trích Tổng thống Belarus vì đã tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Nga. “Đây chỉ là một ví dụ nữa cho thấy ông Lukashenko đưa ra những lựa chọn khiêu khích, vô trách nhiệm”, ông Blinken nói. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington không có lý do để điều chỉnh trạng thái hạt nhân của đất nước.