Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, trong khuôn khổ cuộc điện đàm, Ngoại trưởng hai nước đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc nối lại tiến trình chính trị của Liên hợp quốc (LHQ) tại quốc gia Bắc Phi. Cuộc điện đàm diễn ra một ngày sau khi Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar tuyên bố rút khỏi một số chiến tuyến ở thủ đô Tripoli.
Trong diễn biến liên quan, trước đó, ngày 20/5, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Emmanuel Macron đã thảo luận các mối quan ngại của hai bên liên quan đến “sự can thiệp của nước ngoài đang trở nên tồi tệ” tại Libya và “nhất trí về sự cần thiết phải giảm leo thang khẩn cấp”.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi lực lượng Quân đội quốc gia (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.
Theo Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL), bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong 3 tháng đầu năm 2020 tại Libya đã có 64 dân thường thiệt mạng và 67 người khác bị thương trong các cuộc xung đột, hơn 200.000 người ở thủ đô Tripoli và khu vực lân cận bị mất nơi cư trú.