Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, bà Stephanie Williams, Quyền Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Libya kiêm nhiệm đứng đầu UNSMIL, bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự leo thang ở Libya trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Bà Williams lên án các cuộc tấn công nhằm vào thường dân và cơ sở dân sự, trong đó có các vụ pháo kích và tấn công bằng tên lửa vào các cơ quan đại diện ngoại giao tại thủ đô Tripoli như Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và nhà riêng Đại sứ Italy.
Bà Williams đặc biệt kêu gọi các bên liên quan tại Libya chấm dứt chiến sự và bảo đảm đầy đủ các hoạt động tiếp cận nhân đạo và y tế ở Libya. Chủ tịch Ủy ban Trừng phạt Libya (Đại sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Đức) nhấn mạnh các bên liên quan ở Libya và các quốc gia thành viên có trách nhiệm thực thi đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA liên quan đến Libya.
Trong phát biểu, các nước thành viên HĐBA đều chia sẻ quan ngại của bà Stephanie Williams, kêu gọi các bên xung đột ở Libya sớm quay trở lại tiến trình đàm phán hòa bình, kêu gọi chấm dứt can thiệp từ bên ngoài và tuân thủ đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA. Đại diện Libya lên án các hành vi của lực lượng đối lập tấn công nhằm vào thường dân và cơ sở dân sự, kêu gọi HĐBA có hành động quyết liệt hơn trong bối cảnh tình hình Libya đang ngày càng diễn biến xấu đi.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ kêu gọi các bên liên quan ở Libya tuân thủ lệnh ngừng bắn nhân đạo trong bối cảnh dịch COVID-19, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và bảo đảm tiếp cận nhân đạo một cách đầy đủ. Đại sứ tái khẳng định sự ủng hộ đối với giải pháp chính trị toàn diện do người Libya dẫn dắt và làm chủ, kêu gọi các bên liên quan sớm quay trở lại đàm phán trên 3 kênh đối thoại chính trị, kinh tế và quân sự phù hợp với Nghị quyết 2510 của HĐBA về văn kiện Hội nghị Berlin về Libya, đặc biệt là sớm chấp thuận dự thảo thỏa thuận ngừng bắn do UNSMIL đưa ra vào tháng 2/2020. Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm tiến hành bổ nhiệm chính thức vị trí Đại diện đặc biệt thay thế ông Ghassan Salamé, người đã từ chức đầu tháng 3/2020 vì lý do sức khỏe.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi lực lượng Quân đội quốc gia (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.
Theo UNSMIL, bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong 3 tháng đầu năm 2020 tại Libya đã có 64 dân thường thiệt mạng và 67 người khác bị thương trong các cuộc xung đột, hơn 200.000 người ở thủ đô Tripoli và khu vực lân cận bị mất nơi cư trú. Tính đến ngày 19/5, Libya đã ghi nhận 65 ca nhiễm và 5 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Sáng 20/5, người phát ngôn của LNA Ahmed al-Mismari cho biết lực lượng này đã quyết định lùi khỏi khu vực giới tuyến ở Tripoli khoảng 2-3km từ trưa cùng ngày nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại tự do hơn vào cuối tháng lễ Ramadan và chuẩn bị đến kỳ nghỉ lễ kết thúc tháng Ramadan. Người phát ngôn này cũng kêu gọi GNA hành động tương tự, song không nêu rõ việc lui quân của LNA có phụ thuộc vào động thái của GNA hay không.