Động thái này xuất hiện ngay sau khi chính quyền Ankara cáo buộc một máy bay ném bom Su-34 của Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 29/1 – điều mà Moskva ngay lập tức bác bỏ và xem đây là đòn tuyên truyền vô căn cứ. Diễn biến này gợi nhớ lại việc Nga tức tốc điều hệ thống tên lửa phòng đầy uy lực S-400 tới Syria, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 hôm 24/11/2015.
Máy bay Su-35 bay trình diễn tại một cuộc triển lãm hàng không ở Chu Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX |
“Kể từ cuối tuần trước, một số chiến đấu cơ có tầm tác chiến siêu việt đã bắt đầu thực thi các nhiệm vụ chiến đấu ở căn cứ Khmeimim”, Thiếu tướng Igor Konashenkov - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga chia sẻ ngày 1/2. Việc bổ sung Su-35 này giúp bảo vệ tốt hơn các phi đội Su-24, Su-25 tham chiến ở Syria, khi mà hai loại cường kích này hạn chế về khả năng không chiến. Trước đó, nhiệm vụ hộ tống đường không này do các máy bay Su-30SM và Su-27SM3 đảm trách và cũng mới được triển khai sau sự cố hôm 24/11/2015. 14 chiếc Su-34 cũng đã được điều tới Syria, nhưng số này chỉ mạnh về khả năng tự phòng thủ nếu xảy ra không chiến.
Thử nghiệm tác chiến và chào hàng là chính?
Hiện chưa rõ Nga đã triển khai bao nhiêu chiến đấu cơ hiện đại ở Syria. Trước khi Su-35 xuất hiện, tên tuổi lớn nhất là Su-30SM (được cho là khoảng 4 chiếc). Nhìn nhận một cách công bằng, dù trọng lượng nặng hơn, động cơ thiếu sức mạnh hơn, tốc độ chậm hơn, nhưng Su-30MS vẫn là mẫu tiêm kích có tổng thể hệ thống vận hành ngang bằng, thậm chí vượt Su-35, nhờ vào thiết kế khoang lái 2 chỗ ngồi. Việc bổ sung sĩ quan điều khiển hệ thống vũ khí giúp giảm tải cho phi công chính khi thực hiện những đòn không kích phức tạp.
Ngoài Su-30MS, Nga cũng không tiết lộ số lượng Su-27SM3 đang đóng chốt tại Syria. Bộ Quốc phòng Nga thường chỉ nói chung chung là “phi đội”, nhưng không đưa ra con số chính xác. Su-27SM3 cải tiến cũng là dòng tiêm kích đáng ngưỡng mộ, tương đương với F-15C Eagle mới nâng cấp của không quân Mỹ.
So với 2 phiên bản kia, Su-30SM được xem là mẫu tiêm kích tối tân có trong biên chế của không quân Nga. Đây là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 đời cuối (4++) và sử dụng công nghệ của máy bay thế hệ thứ 5. Su-35 là tiêm kích đa nhiệm, được trang bị 1 pháo 30mm phục vụ tác chiến cận chiến và nhiều giá treo vũ khí. Lượng bom đạn mang theo tối đa là 8 tấn, tác chiến cả không, mặt đất và chống hạm.
Các chuyên gia quân sự Mỹ đặc biệt ấn tượng với Su-35, mẫu mới nhất trong dòng Su nổi tiếng về “tấn công sườn”, khi nó được tích hợp những công nghệ hiện đại nhất của Nga, nhất là hệ thống điện tử, radar. Su-35 có trần bay tới 19 km với tốc độ 2.500 km/h, phạm vi hoạt động 3.400 km và bán kính chiến đấu 1.400 km.
Giới phân tích nhận định, 4 chiếc Su-35 không giúp gia tăng đáng kể nguồn lực vũ khí và sức mạnh quân sự của Nga tại Syria. Nhưng chắc chắn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sẽ cho phép không quân Nga lần đầu tiên thử nghiệm Su-35 tác chiến thực tế trên chiến trường. Triển khai Su-35 tới Syria cũng được xem là bước marketing thương mại hiệu quả cho mẫu chiến đấu cơ này.
Nga đã bán dòng máy bay này cho Trung Quốc và hy vọng sẽ có được thêm nhiều hợp đồng từ các đối tác khác. Chứng tỏ khả năng thực chiến ở Syria sẽ giúp đạt được mục tiêu đó. Giá một chiếc Su-35 vào khoảng 40 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với “đối thủ” cùng loại của Mỹ là F-35. Các khách hàng tiềm năng khác hiện gồm có Indonesia, Brazil…