Đầu tháng này, tập đoàn Sukhoi thông báo bắt đầu phát triển tiêm kích chiến thuật một động cơ thế hệ thứ năm. Dòng tiêm kích này sẽ chủ yếu dùng để xuất khẩu và trên thực tế sẽ là phiên bản xuất khẩu của Su-57, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 tối tân nhất của Nga.
Tạp chí Military Review dẫn lời chuyên gia quân sự Vladimir Stavreev cho biết, tiêm kích xuất khẩu thế hệ thứ 5 này sẽ có động cơ khác với động cơ của Su-57. Không được trang bị động cơ uy lực như Su-57, tổng trọng lượng cất cánh của tiêm kích phiên bản xuất khẩu không vượt quá 18 tấn. Thông tin ban đầu cũng cho thấy chiến đấu cơ này sẽ nhẹ hơn Su-57 khoảng 7 tấn. Tốc độ tối đa có thể vượt hai lần tốc độ âm thanh (Mach 2, tương đương 2.000 km/giờ).
Điểm mạnh nhất của dòng tiêm kích một động cơ chính là mức giá. Máy bay này thường rẻ hơn khá nhiều so với các tiêm kích hạng nặng thuộc “họ Su” đang được trang bị trong quân đội Nga. Trên thực tế, hơn một nửa chi phí chế tạo máy bay nằm ở động cơ và hệ thống nhiên liệu, vì thế tiêm kích một động cơ có thể là lựa chọn phù hợp nhất với không quân nhiều nước.
Về khả năng thực chiến, tiêm kích một động cơ không thể so sánh được với tiêm kích hạng nặng về trang thiết bị được lắp đặt, hệ thống radar và vũ khí trang bị. Sức mạnh thực chiến kém đi, nhưng không quá 20%. Một yếu điểm khác của tiêm kích một động cơ là khả năng sống sót không thể bằng loại hai động cơ.