Theo tờ nhật báo Parlamentskaya Gazeta, hai ông Valery Rashkin và Sergey Obukhov đã gửi một bức thư tới Tổng thống Vladimir Putin, nói về việc Lầu Năm góc có kế hoạch đặt các hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS tại Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới Syria. Trong thư, hai nghị sĩ mô tả, đạn rocket có tầm bắn 500km này có thể đe dọa tới các thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, đặc biệt là Armenia.
Để bảo vệ lợi ích của Nga cũng như sự an toàn của các đồng minh, ông Rashkin và Obukhov đề xuất khôi phục lại căn cứ do thám tình báo ở Lourdes/Cuba, đồng thời triển khai các tổ hợp tên lửa tại quốc gia Nam Mỹ này. Hai nghị sĩ nhấn mạnh, các bước đi này có thể thực hiện được dựa trên các điều khoản trong Hiệp ước hợp tác hữu Nghị Liên bang Nga – Cộng hòa Cuba. Bức thư của hai ông cũng được đồng gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
BTQP Nga Serei Shoigu (phải) và Bộ trưởng các LLVT Cách mạng Cuba Leopoldo Cintra Frias (giữa) tới thăm một Sư đoàn xe tăng ở Cuba. Ảnh: Sputnik |
Ông Putin, Shoigu và Lavrov hiện chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào đối với các đề xuất trong thư. Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế thuộc Thượng viện Nga Vladimir Djabarov nói rằng ý tưởng này rất khó thực hiện. “Trước hết, tình hình Cuba hiện nay khác trước. Họ đã khôi phục quan hệ Ngoại giao với Mỹ. Kế đến, việc đặt tên lửa ở đó không mang lại hiệu quả an ninh cho Nga . Vậy nên, đó chỉ là đề xuất mang tính dân túy không phù hợp với lợi ích an ninh của chúng ta”, ông Djabarov chia sẻ trên kênh tin Lifenews.
Hôm 26/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo nước này và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai các tổ hợp HIMARS ở khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 tới, hỗ trợ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nga (trước đó là Liên Xô) đã duy trì một cơ sở do thám tình báo ở Lourdes từ năm 1967. Đây từng là căn cứ tình báo kĩ thuật lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, với khoảng 3.000 nhân viên làm việc tại đây. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn duy trì hoạt động tái đây, nhưng quy mô được cắt giảm. Đến năm 2001, Moskva chính thức đóng cửa cơ sở này, vì lý do chi phí quá cao. Đã từng có những đồn đoán về việc Nga sẽ khôi phục lại hoạt động ở Lourdes, thế nhưng giới chức Nga luôn phủ nhận thông tin này, xem đây là âm mưu chia rẽ quan hệ giữa các nước. Cá nhân ông Putin cũng tuyên bố, Nga không có kế hoạch mở lại căn cứ, vì Nga “có thể bảo đảm các yêu cầu quốc phòng mà không cần căn cứ này”.
Năm 1962, Liên Xô từng điều 40 tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Cuba để đáp trả việc Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung Jupiter ở Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng lập tức leo thang, đưa đến cái gọi là “Khủng hoảng tên lửa Cuba” mà ở đó hai bên tiến sát đến nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các cuộc đàm phán sau đó đã giúp khai thông bế tắc, với việc cả Liên Xô và Mỹ đồng ý rút vũ khí khỏi Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ.