Trong thông báo đưa ra cùng ngày 22/11, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Nga luôn sẵn sàng cho tất cả các phương án. Moskva sẽ cẩn trọng theo dõi những tuyên bố và hành động của các bên tham gia Hiệp ước, đánh giá lợi ích an ninh của Nga và các đồng minh để đưa ra những quyết định tương xứng.
Cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán Nga về các vấn đề an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, ông Konstantin Gavrilov cho biết sau khi Washington rút khỏi hiệp ước, một số nhiệm vụ thiết thực sẽ nằm trong chương trình nghị sự, trong đó có công tác phân bổ các chi phí tài chính liên quan đến hoạt động của Ủy ban Tham vấn Bầu trời Mở (OSCC), bổ nhiệm 2 chủ tịch của các nhóm chuyên viên không chính thức thay thế các đại diện của Mỹ và xác định địa vị của Washington. Ông hy vọng rằng hợp tác toàn diện giữa các quốc gia thành viên trong tất cả các vấn đề thuộc chương trình nghị sự của OSCC sẽ tiếp tục được thực hiện không gián đoạn.
Ông Gavrilov cho biết thêm Moskva không loại trừ khả năng chính quyền mới sắp tới ở Mỹ có thể tham gia trở lại Hiệp ước.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ lấy làm tiếc về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, đồng thời tái khẳng định lập trường của Đức đối với Hiệp ước không thay đổi.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời ông Maas nhấn mạnh Đức coi hiệp ước này "là một cấu thành quan trọng của cấu trúc kiểm soát vũ khí, vốn góp phần vào việc xây dựng niềm tin lẫn nhau và qua đó đảm bảo an ninh tốt hơn ở Bắc Bán cầu từ Vladivostok đến Vancouver".
Ngoại trưởng Maas khẳng định Đức sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước này, trong đó có việc mua sắm máy bay giám sát mới Airbus A319. Ngoài ra, Đức cũng cam kết hiện đại hóa toàn diện việc kiểm soát vũ khí thông thường ở châu Âu.
Ông cho rằng cần phải điều chỉnh các hiệp ước đa phương hiện hành, cũng như tạo ra các cơ chế xây dựng niềm tin mới để có thể sẵn sàng ứng phó với các thách thức đối với hòa bình và an ninh trong thế kỷ này. Theo đó, Đức sẽ tiếp tục cùng các đối tác giải quyết các nhiệm vụ khó khăn.
Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Mỹ không còn là một bên tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở kể từ ngày 22/11/2020.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau. Tuy nhiên, cả Moskva và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.