Hãng thông tấn AMNA dẫn lời giới chức ngoại giao Hy Lạp cho hay, tại cuộc họp khẩn cấp của các đại sứ, tất cả các đồng minh NATO đã hối thúc Mỹ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra một tuyên bố chung của 11 nước – bao gồm Pháp, Bỉ, CH Séc, Phần Lan, Đức, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển – bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Chính quyền Washington rút khỏi hiệp ước này.
Tuyên bố có đoạn ghi rõ: “Hiệp ước Bầu trời Mở là thành tố then chốt của khuôn khổ xây dựng lòng tin và đã tồn tại nhiều thập kỷ nhằm tăng cường tính minh bạch và an ninh ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”. Tuyên bố cũng cho biết các nước sẵn sàng duy trì đối thoại với Nga, đồng thời kêu gọi Moskva dỡ bỏ những hạn chế đối với các chuyến bay qua không phận Kaliningrad.
Trong tuyên bố chung này, ngoại trưởng 11 nước đều bày tỏ lấy làm tiếc về thông báo của Chính phủ Mỹ trong vòng 6 tháng tới sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở với lý do "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước".
Ngoại trưởng các nước cam kết sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước này, vốn có giá trị ngày càng tăng đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí thông thường và an ninh chung. Tuyên bố khẳng định Hiệp ước Bầu trời Mở vẫn hữu ích và thiết thực. Các nước đồng thời nêu rõ sẽ tiếp tục đối thoại với Nga trên cơ sở những ý kiến đã thống nhất trước đó giữa các đồng minh trong NATO và các đối tác châu Âu khác để cùng tháo gỡ những bất đồng.
Ngày 22/5, hãng thông tấn Tass cho biết Bộ Ngoại giao Nga đã xác nhận thông tin phía Mỹ chính thức thông báo về quyết định của Chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, bước đi mà phía Moskva đánh giá là "rất đáng tiếc".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga viết: “Điều này rất đáng tiếc, vì nó gây thiệt hại đáng kể cho an ninh châu Âu. An ninh của chính Mỹ sẽ không được củng cố và uy tín của Mỹ trong các vấn đề quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng". Nga tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở chừng nào thỏa thuận này còn hiệu lực.
Trao đổi với hãng thông tấn RIA Novosti, Thứ trưởng Alexander Grushko nêu rõ: "Chúng tôi cần một cách tiếp cận thực tế. Miễn là hiệp ước vẫn còn hiệu lực, chúng tôi vẫn sẽ tuân thủ đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ được nêu trong hiệp ước". Ông Grushko cũng cho biết Nga vẫn đang "hành động trên cơ sở tất cả các nước khác cũng sẽ hành xử tương tự", nhấn mạnh Moskva sẽ có "cách tiếp cận tận tâm đối với những nghĩa vụ của các bên tham gia hiệp ước này".
Nhà ngoại giao Nga đồng thời chỉ trích việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ gây phương hại cho tình hình an ninh châu Âu, cũng như ảnh hưởng tới chính lợi ích của các nước đồng minh của Washington.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Có hiệu lực từ năm 2002, hiệp ước này cho phép các nước tham gia thực hiện những chuyến bay giám sát bên trên các căn cứ quân sự của nhau, để thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của các nước này. Có 34 quốc gia tham gia thỏa thuận, bao gồm cả Mỹ.
Mục đích chính của văn kiện này là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hoá giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.