Trong văn kiện chỉ đạo đăng trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ tiếp tục những chiến dịch thường nhật trên khắp thế giới, các tàu, tàu ngầm, máy bay của quân đội sẽ tiếp tục các nhiệm vụ và binh sĩ Mỹ vẫn sẽ truy lùng những kẻ khủng bố ở khắp Trung Đông, châu Phi và Nam Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dù việc huấn luyện cho lực lượng dự bị có thể bị cắt bớt, nhưng những lực lượng tại ngũ sẽ vẫn đóng tại các vị trí đóng quân, tiếp tục các công tác đào tạo, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc đóng cửa chính phủ tới sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cũng cam kết sẽ nỗ lực để giảm thiểu ảnh hưởng việc đóng cửa chính phủ cũng như bất kỳ gánh nặng tài chính nào đối với binh sĩ và gia đình họ.
Tối 19/1 (tức trưa 20/1 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã không có đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật chi tiêu tạm thời cho chính phủ. Điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì ngân sách liên bang hết hiệu lực. Việc chính phủ liên bang bị đóng cửa sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh kế Mỹ.
Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ tạm thời bị cho nghỉ việc và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương. Theo một nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỉ USD nếu như chính phủ bị đóng cửa trong một tuần.
Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Lịch sử Mỹ từng ghi nhận chính phủ đã phải đóng cửa vài lần. Gần đây nhất, vào năm 2013, chính phủ nước này đã buộc phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama. Trước đó, trong hai năm 1995-1996, Chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày.