Binh sĩ Mỹ tham gia huấn luyện. Rappler/TTXVN |
Trong bài phát biểu ngày 19/1, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh chiến lược này xác lập mục tiêu hướng tới thay đổi khẩn cấp ở quy mô lớn của quân đội Mỹ. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng Mỹ cần phải sử dụng các cách tiếp cận sáng tạo, đầu tư bền vững, tập trung vào thiết lập một Lực lượng chung phù hợp, có thể cạnh tranh, ngăn ngừa và giành thắng lợi trong môi trường an ninh ngày càng phức tạp.
Bộ trưởng Mattis cho rằng để ngăn ngừa chiến tranh thì cách tốt nhất là chuẩn bị để giành chiến thắng. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận ganh đua để phát triển sức mạnh và đầu tư lâu dài để khôi phục khả năng sẵn sàng ứng phó và chặn đứng thế lực nguy hiểm. Ngoài ra, quan chức này còn kêu gọi các đồng minh châu Âu thực hiện cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường sức mạnh của liên minh khi ứng phó với các mối quan ngại an ninh chung.
Liên quan vấn đề Triều Tiên, Bộ trưởng Mattis coi Bình Nhưỡng là mối đe dọa đến ổn định toàn cầu bằng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Trả lời phỏng vấn cùng ngày, ông Elbridge Colby, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách phát triển chiến lược và lực lượng, nhận định trong những năm qua, Trung Quốc và Nga đã không ngừng nỗ lực phát triển năng lực quân sự của mình. Do đó, chiến lược của ông Mattis nhằm giải quyết tình trạng suy yếu về lợi thế quân sự của Mỹ hiện nay.
Chiến lược quốc phòng mới này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia vảo tháng trước, trong đó xác định Nga và Trung Quốc "là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ".
Theo Nhà Trắng, chiến lược an ninh quốc gia mới phản ánh những ưu tiên trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump, đó là bảo vệ nước Mỹ và các đường biên giới, tái thiết quân đội, triển khai sức mạnh ra bên ngoài và theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Mỹ.
Phản ứng trước động thái này, Nga tuyên bố không thể chấp nhận chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, trong khi Trung Quốc cho rằng nhận định trên của Washington thể hiện "tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời" và khẳng định "Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi chính sách làm lợi cho mình bằng cách gây tổn hại lợi ích của các quốc gia khác".