Chính phủ Đan Mạch thông báo đang lên kế hoạch bắt buộc phụ nữ đi nghĩa vụ quân sự, trở thành một trong số ít quốc gia yêu cầu phụ nữ phục vụ trong lực lượng vũ trang.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã công bố sáng kiến này ngày 13/3 tại Copenhagen, nói với các phóng viên rằng việc yêu cầu phụ nữ tham gia quân đội sẽ giúp đạt được “sự bình đẳng hoàn toàn giữa hai giới”.
Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen cũng nhấn mạnh trong cuộc họp báo có sự tham dự của Thủ tướng Frederiksen: “Chế độ tòng quân mạnh mẽ hơn, bao gồm bình đẳng giới đầy đủ, sẽ góp phần giải quyết các thách thức quốc phòng, huy động quốc gia và quản lý lực lượng vũ trang của chúng ta”.
Tại Đan Mạch, phụ nữ đã có thể tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Vào năm 2023, họ chiếm khoảng 1/4 lực lượng lính nghĩa vụ.
Đan Mạch là quốc gia thứ ba ở châu Âu cho phép phụ nữ tòng quân. Trước đó, Thụy Điển bắt đầu cho phép nhập ngũ với cả nam và nữ vào năm 2017. Và năm 2015, Na Uy trở thành thành viên NATO đầu tiên áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ.
Theo số liệu chính thức, quân đội Đan Mạch có từ 7.000 đến 9.000 quân nhân chuyên nghiệp, không bao gồm lính nghĩa vụ đang được huấn luyện cơ bản. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc áp dụng đối với nam giới trên 18 tuổi. Tuy nhiên, do có đủ số lượng tình nguyện viên nên không phải nam thanh niên nào cũng phải nhập ngũ. Thay vào đó, cơ quan chức năng tổ chức “bốc thăm” bằng hình thức quay số.
Kế hoạch nói trên kêu gọi ban hành luật nghĩa vụ quân sự mới vào năm 2025 và triển khai hệ thống này vào năm 2026. Các binh sĩ mới sẽ trải qua 5 tháng huấn luyện, sau đó là 6 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Phát biểu trong cuộc họp báo với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Poulsen ngày 13/3, Thủ tướng Frederiksen cho biết Đan Mạch sẽ kéo dài thời gian phục vụ quân ngũ cho cả nam và nữ từ 4 lên 11 tháng như một phần của cuộc cải tổ quân đội nước này. Copenhagen cũng sẽ đầu tư vào các hệ thống phòng không trên bộ và một lữ đoàn bộ binh lên tới 6.000 quân vào năm 2028.
Nữ Thủ tướng Frederiksen nói: “Chúng tôi không tái vũ trang ở Đan Mạch vì muốn chiến tranh, hủy diệt hoặc đau khổ. Chúng tôi đang tái vũ trang ngay bây giờ để tránh chiến tranh và trong một thế giới mà trật tự quốc tế đang bị thách thức”.
Ngoại trưởng Lars Rasmussen cũng cho biết các động thái này được thực hiện như một hình thức răn đe. “Mặc dù Nga không gây ra mối đe dọa đối với Đan Mạch, nhưng chúng tôi sẽ không đặt mình vào một vị trí mà họ có thể đến để làm điều đó”, ông Rasmussen nói.
Trong khi đó, theo đài RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần chỉ ra rằng Moskva không có ý định tấn công các nước NATO hoặc leo thang cuộc khủng hoảng ở Ukraine thành một cuộc xung đột rộng hơn.
Đan Mạch là thành viên sáng lập NATO và là nước ủng hộ quan trọng cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Đan Mạch là một trong số ít các quốc gia cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev, dự kiến được chuyển giao vào mùa hè này.
Đan Mạch đã chi khoảng 1,4% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng vào năm ngoái, nhưng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 5,4 tỷ euro trong 5 năm tới để đáp ứng mục tiêu 2% của NATO.