Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Dmitry Kiselyov, được phát sóng trên đài truyền hình Russia 1 TV và RIA Novosti ngày 13/3, Tổng thống Nga Putin cảnh báo, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa quân đội Ba Lan vào Ukraine có thể dẫn đến sự chiếm đóng lâu dài.
“Nếu quân đội Ba Lan tiến vào lãnh thổ Ukraine chẳng hạn như để bảo vệ biên giới Ukraine-Belarus, hoặc ở một số nơi khác để thay thế các đơn vị quân đội hậu phương Ukraine tham gia chiến sự ở tiền tuyến, thì tôi nghĩ rằng quân đội Ba Lan sẽ không bao giờ rời đi”, ông Putin nói.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi tuần trước Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố rằng việc triển khai quân NATO tới Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga “không phải là không thể tưởng tượng được”. Ông Sikorski khi đó bình luận về một tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã nói vào cuối tháng trước rằng ông “không thể loại trừ” khả năng binh lính từ khối quân sự NATO sẽ được cử đến hỗ trợ Kiev.
Ông Putin tin rằng giới chức Ba Lan mơ ước được trả lại những vùng đất mà họ coi là của họ về mặt lịch sử, nhưng đã bị chuyển giao cho Ukraine.
“Họ chắc chắn muốn quay trở lại. Vì vậy, nếu các đơn vị chính thức của Ba Lan tiến vào đó, họ khó có thể rời đi”, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố.
Trong cuộc gặp tại Quốc hội vào ngày 9/3, nhân kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO, Ngoại trưởng Sikorski nói rằng sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine “không phải là không thể tưởng tượng được” và ông đánh giá cao tổng thống Pháp vì đã không loại trừ ý tưởng đó.
Tuyên bố của ông Sikorski cũng phản ánh một cuộc tranh luận lớn hơn ở châu Âu về cách giúp đỡ Ukraine khi Nga đang có động lực mạnh trên chiến trường còn Kiev sắp cạn đạn dược và thiếu nhân lực. Quốc hội Mỹ vẫn cản trở gói viện trợ cho Ukraine, gây thêm áp lực về trách nhiệm của châu Âu.
Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không thể loại trừ khả năng phương Tây gửi quân tới Ukraine, một bình luận phá vỡ điều cấm kỵ giữa các đồng minh và khiến các nhà lãnh đạo khác phản đối kịch liệt. Các quan chức Pháp sau đó đã tìm cách làm rõ nhận xét của ông Macron nhằm xoa dịu phản ứng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải gửi tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng nước này không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Trong khi đó, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng nếu NATO gửi quân tham chiến, một cuộc xung đột trực tiếp giữa liên minh này và Nga sẽ là điều không thể tránh khỏi. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng động thái như vậy sẽ có nguy cơ gây ra xung đột hạt nhân toàn cầu.