Theo đài RT, tờ Financial Times ngày 12/3 đưa tin Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch cấp cho Kiev tới 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) từ những khoản lợi nhuận tạo ra từ tài sản Nga bị EU phong tỏa, trong bối cảnh hỗ trợ tài chính từ Mỹ ngày càng suy yếu.
Bài báo cho biết Brussels đang nhanh chóng đưa ra quyết định thu giữ tiền lãi kiếm được từ các tài sản Nga được giữ tại công ty thanh toán bù trừ Euroclear, bắt đầu từ tháng 2 năm nay trở đi.
Tờ báo dẫn lời các quan chức EU cho biết, đợt tiền đầu tiên có thể được gửi tới Kiev sớm nhất là vào tháng 7 nếu Brussels có thể đảm bảo được sự chấp thuận của tất cả các thành viên trong khối. Đề xuất này dự kiến sẽ được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU vào tuần tới.
Phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản nắm giữ của Ngân hàng Trung ương Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine hai năm trước. Công ty Euroclear có trụ sở tại Brussels nắm giữ khoảng 191 tỷ euro (205 tỷ USD) trong số đó và đã tích lũy gần 4,4 tỷ euro tiền lãi trong năm qua.
Theo báo cáo, Brussels sẽ giải ngân từ 2 - 3 tỷ euro tiền lãi do tài sản bị đóng băng tạo ra trong năm nay, tùy thuộc vào lãi suất. Các quan chức EU ước tính rằng tổng lợi nhuận thu được từ các quỹ của Nga do Euroclear nắm giữ có thể đạt 20 tỷ euro vào năm 2027.
Vấn đề khai thác tài sản của Nga ngày càng trở nên quan trọng kể từ khi gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine bị Quốc hội do đảng Cộng hòa lãnh đạo chặn lại, khiến Kiev phải tìm kiếm các nhà tài trợ thay thế.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tháng trước đã đề xuất sử dụng số tiền thu được để gửi vũ khí tới Ukraine thay vì tái thiết như kế hoạch ban đầu.
Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng cho biết hồi đầu tháng rằng khối có thể sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để mua vũ khí cho Ukraine thông qua Cơ sở Hòa bình châu Âu, một cơ chế ngoài ngân sách được sử dụng để chuyển vũ khí cho Ukraine. Theo Financial Times, các thành viên khối hiện đang đàm phán về khoản tăng thêm 5 tỷ euro cho quỹ này, cũng như các lựa chọn đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
Trong khi đó, một số nước phương Tây vẫn bị chia rẽ về việc dùng tài sản phong tỏa của Nga để viện trợ cho Ukraine. Trong khi Mỹ và Anh ủng hộ việc trực tiếp tịch thu tài sản, một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Pháp và Đức, gần đây đã cảnh báo rằng động thái này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính và làm xói mòn niềm tin vào vị thế đồng tiền dự trữ của đồng euro.
Moskva đã cảnh báo nghiêm khắc rằng họ sẽ đáp trả tương xứng nếu phương Tây tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa ở nước ngoài. Bộ Tài chính Nga hồi tháng trước cảnh báo rằng bản thân các quốc gia phương Tây vẫn nắm giữ cổ phần ở Nga và có thể gặp nguy hiểm nếu tài sản bị đóng băng của Nga bị khai thác.
Cuối tuần trước, truyền thông Mỹ cũng đưa tin một số thành viên Đảng Cộng hòa hàng đầu tại Hạ viện Mỹ đang xây dựng kế hoạch cho Ukraine vay tiền từ 300 tỷ USD tài sản của Nga bị Mỹ phong tỏa sau khi xung đột bắt đầu ở Ukraine.
Trước thông tin này, nhà báo người Nga Dan Lazare bình luận với đài Sputnik rằng, việc trao tài sản bị tịch thu của Nga cho Ukraine sẽ phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu. Ông cũng cảnh báo rằng hành động này sẽ tương đương với việc Mỹ tuyên chiến với Nga.
Ông Lazare cảnh báo: “Đó là một bước đi rất nguy hiểm. Thật sự rất ngạc nhiên khi toàn bộ hệ thống đang xuống dốc với tốc độ ngày càng tăng đáng kể… [Việc khai thác tài sản của Nga] sẽ khiến Saudi Arabia và Trung Quốc hoảng sợ. Toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên ý thức hợp tác hợp pháp, nhưng nếu bạn vi phạm điều đó, bạn sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống.”