Tăng học phí đi cùng với hỗ trợ sinh viên nghèo

Thông tin tăng học phí khiến không ít sinh viên, đặc biệt là sinh viên đến từ những vùng nông thôn lo lắng. Tuy nhiên, nhiều trường khẳng định mức học phí vẫn giữ như năm cũ. Chỉ có những trường tự chủ tài chính mới tăng, nhưng đều đi kèm với chính sách miễn giảm học phí và tăng số học bổng.


Sinh viên nghèo lo lắng

Nguyễn Sơn Hải (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, năm học trước chỉ phải đóng 7 triệu đồng, thì theo mức học phí mới sẽ phải đóng gần 10 triệu đồng/năm học. Nếu tính ra thì mỗi tháng gia đình phải chi cho em 3,5 triệu đồng. “Bố mẹ em làm nông và kinh doanh nhỏ lẻ nên phải chắt bóp từng đồng để hai anh em đi học. Từ ngày em đi học đại học, số tiền tiết kiệm của gia đình để lo những lúc ốm đau hay có việc lớn trong gia đình đều giảm đi, có tháng không có”, Hải tâm sự.

Bên cạnh việc tăng học phí các trường vẫn duy trì chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo và cho vay tín dụng sinh viên với lãi suất thấp. Ảnh: svvv.vn

Một số bạn bè của Hải ở khu trọ ngõ 175 (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) đã lập nhóm đi làm thêm. Hải cũng chuẩn bị “đầu quân” cho một nhóm bồi bàn làm theo giờ.

Vừa bước vào năm học, Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã ráo riết đi tìm việc làm thêm. Thùy Trang chia sẻ: “Học kỳ trước em chỉ đóng có 180.000 đồng/tín chỉ, còn sang học kỳ này thì phải đóng 225.000 đồng/tín chỉ. Với 21 tín chỉ học trong kỳ này thì em phải đóng gần 5 triệu đồng tiền học phí. Để có được số tiền này bố mẹ em ở quê cũng phải đi vay mượn. Nghe nói học kỳ sau có khả năng sẽ tăng tiền học phí, để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ em phải đi tìm việc làm thêm”.

Học phí tăng sinh viên lo một phần, thì các bậc phụ huynh lại lo mười phần. Bác Trần Văn Luận quê ở Lâm Đồng có con vừa đậu vào trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) lắc đầu ngao ngán nói: “Con cái đậu vào đại học thì mừng lắm, nhưng nghĩ đến số tiền cho nó đi học thì thật là oải dễ sợ. Trước khi con tôi lên trường nhập học, vợ chồng phải chạy đôn chạy đáo vay "nóng" 10 triệu để lo cho cháu vào nhập học. Từ khi bắt đầu năm học đến giờ vị chi gia đình gửi lên cho cháu gần 30 triệu đồng cả tiền học phí và tiền chi tiêu hàng tháng. Học phí tăng cũng lo lắm nhưng cũng cố chắt bóp chi tiêu và làm thêm để lo cho cháu được tiếp tục học”.

“Gỡ khó” cho sinh viên

Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đã hết hiệu lực sau năm học 2014 - 2015. Vừa qua, Bộ GD - ĐT mới trình Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới dành cho các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020 - 2021.

Theo bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT, để hỗ trợ sinh viên nghèo, bên cạnh việc tăng học phí, sẽ vẫn duy trì chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo và cho vay tín dụng sinh viên với lãi suất thấp, nếu học phí nâng lên thì mức vay tín dụng cũng được nâng lên. Hiện mức cho vay của chương trình là 1,1 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên, với lãi suất 6,6% năm (0,55% tháng).

Theo đó, một số trường đại học như Trường ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương… được thực hiện tự chủ thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Cụ thể, mức trần học phí loại trường này được phân theo nhóm ngành nghề, với mức tối đa của nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, nhiều trường ĐH cho biết, vẫn thu học phí ở mức cũ. Cụ thể trần học phí các trường ĐH công lập năm học 2014 - 2015: Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 550.000 đồng/tháng; nhóm ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 650.000 đồng/tháng; nhóm ngành Y dược là 800.000 đồng/tháng. Đào tạo theo tín chỉ, mức thu học phí của một tín chỉ sẽ căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó.

Theo thầy Nguyễn Lai Dương Phong, Phụ trách Phòng công tác sinh viên trường ĐH Tài chính - Maketing TP Hồ Chí Minh, theo quyết định năm học 2015 - 2016, mức học phí của trường ĐH Tài chính - Maketing sẽ tăng lên 14,5 triệu đồng/năm học, tuy nhiên nhà trường chỉ thu học phí 13 triệu đồng/năm học. Đồng thời, nhà trường có nhiều giải pháp để hỗ trợ sinh viên như xây dựng quỹ hỗ trợ cho sinh viên; xây dựng quỹ trợ cấp xã hội cho sinh viên. Với quỹ này, mỗi sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được nhà trường trợ cấp 145.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, nhà trường còn gia hạn thời gian đóng học phí hoặc cho sinh viên vay tiền để đóng học phí.
Lê Vân - Đan Phương
Trao học bổng cho 20 sinh viên nghèo vượt khó
Trao học bổng cho 20 sinh viên nghèo vượt khó

Nhằm kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp; đồng thời chung tay hỗ trợ các sinh viên nghèo học giỏi, Ngân hàng VPBank và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội vừa tổ chức giải chạy "VPBank SME Run 2015" lần thứ 2. Kết thúc giải, Ban Tổ chức đã trao học bổng tương đương 1 năm học phí cho 20 sinh viên nghèo vượt khó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN