Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vào ngày 24/11 đã trình chiếu cảnh dây chuyền sản xuất J-15 tại hãng Shenyang Aircraft Corp cũng như cảnh một chiếc J-15 chuẩn bị cho bay thử. Đây là chương trình đặc biệt của CCTV kỷ niệm 10 năm chiếc J-15 lần đầu tiên cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh.
CCTV cho biết tiêm kích J-15 cần trải qua nhiều lần kiểm tra trước và sau khi bay thử cũng như trước khi được bàn giao cho quân đội Trung Quốc. Trang eastday.com (Trung Quốc) nhận định hình ảnh quay cận cảnh chiếc J-15 mới cho thấy tiêm kích này trang bị 2 động cơ Taihang.
WS-10 Taihang là động cơ phản lực cánh quạt có lực đẩy cao do Trung Quốc phát triển. Tờ Global Times (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia Fu Qianshao ngày 24/11 đánh giá động cơ Taihang đã được sử dụng bởi một số máy bay chiến đấu của Trung Quốc như J-10, J-11, J- 16 và J-20, nhưng J-15 hoạt động trên tàu sân bay lại thường sử dụng động cơ Al-31F của Nga.
Điều này bắt nguồn từ thực tế hoạt động của tàu sân bay rất khắt khe do đó cần động cơ máy bay chiến đấu phải có mức độ tăng tốc cao hơn và chịu được tác động mạnh hơn trong quá trình cất cánh và hạ cánh, cũng như phải đối mặt được với môi trường làm việc khắc nghiệt hơn bao gồm độ mặn và độ ẩm cao, có thể gây ăn mòn và ảnh hưởng tiêu cực đến sức bền cũng như tuổi thọ của động cơ.
Ông Fu cho rằng việc hiện nay J-15 chuyển sang dùng động cơ sản xuất nội địa cho thấy động cơ Trung Quốc sản xuất đã an toàn, đáng tin cậy, “đủ độ chín” và có khả năng cùng mức độ hoặc thậm chí tốt hơn một chút so với động cơ Nga Al-31F.
Vào đầu tháng 11, có 5 phiên bản của động cơ Taihang xuất hiện tại Triển lãm hàng không Trung Quốc 2022 tổ chức tại tỉnh Quảng Đông. Nhà sản xuất Aero Engine Corp of China cho biết Taihang đã được nâng cấp và cải tiến.