Truyền hình CNN ngày 12/12 đưa tin Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong thập kỷ này trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á đang nóng lên. Dẫn báo cáo mới nhất của trang mạng chuyên về quốc phòng IHS Jane's, CNN cho biết thêm chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng lên tới 233 tỷ USD năm 2020, so với 123 tỷ USD năm 2010.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: CNN |
Trung Quốc đã trở thành nước có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới. Nhưng dự báo tăng ngân sách quốc phòng trên có nghĩa rằng vào năm 2020, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ hơn gấp 4 lần của Anh và hơn ngân sách quốc phòng của các cường quốc Tây Âu cộng lại.
Chi tiêu quốc phòng khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây khi các nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng. Những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông có thể cũng là một chất xúc tác để các nước trong khu vực "vung tiền" cho lĩnh vực quân sự.
Chuyên gia phân tích hàng đầu Craig Caffrey của IHS Jane's nhận định: "Một xu hướng chính (ở châu Á-Thái Bình Dương) là sự chuyển đổi từ việc tập trung bảo vệ lãnh thổ truyền thống sang triển khai sức mạnh. Đây là xu hướng mới của khu vực và có khả năng tăng cường sự va chạm quân sự giữa các nước".
Cường quốc khu vực Ấn Độ cũng đang tăng ngân sách quốc phòng. Năm nay, nước này đã bổ sung thêm 4 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, trở thành 1 trong 5 nước có ngân sách quốc phòng hàng đầu thế giới lần đầu tiên, đứng trên cả Anh và Saudi Arabia.
Việc Ấn Độ tăng cường các thương vụ mua vũ khí cũng giúp nước này vượt Anh vào năm 2018 để trở thành nước có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới. New Delhi gần đây đã có những nỗ lực để mua 150 máy bay chiến đấu mới và Hải quân Ấn Độ đặt hàng 6 tàu ngầm Scorpene nhà thầu quốc phòng Pháp DCNS. "Ấn Độ cần trang thiết bị mới để thực hiện quá trình hiện đại hóa của mình. Trong 3 năm tiếp theo, Ấn Độ sẽ lại nổi lên như là một thị trường chính cho các nhà cung cấp quốc phòng", chuyên gia phân tích Caffrey nói.
Trong khi đó, chi tiêu quân sự của các đối thủ nặng ký truyền thống Saudi Arabia và Nga đã giảm trong năm nay khi cả hai nền kinh tế phụ thuộc thuộc vào dầu mỏ này đã bị tổn thương do giá năng lượng thấp.
Mỹ tiếp tục là nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, với 622 tỷ USD năm ngoái. Con số này chiếm khoảng 40 % ngân sách quốc phòng toàn cầu năm 2016.