Đây được xem là nỗ lực để bù đắp cho sự thiếu hụt vũ khí mà các đồng minh phương Tây cung cấp.
Các quan chức Ukraine cho biết chương trình phát triển thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công tầm xa hiện là ưu tiên hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng. Các thiết bị này đã được sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu cách xa biên giới Ukraine hàng trăm km, nhằm phá vỡ khả năng chiến tranh của Moskva.
Tuy nhiên, dù dễ dàng sản xuất và triển khai, các chuyên gia nhận định thiết bị bay không người lái chỉ là giải pháp tạm thời. Ông Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn quốc phòng Rochan (Ba Lan), nhấn mạnh: “Về lâu dài, Ukraine cần xây dựng hai năng lực chính: một là khả năng triển khai các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái, hai là phát triển tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung”.
Tháng trước, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung có thể mang đầu đạn hạt nhân vào thành phố Dnipro. Vụ tấn công này được xem là lời cảnh báo tới Ukraine và phương Tây.
Không lâu sau, Ukraine đáp trả bằng cách sử dụng thiết bị bay không người lái tấn công căn cứ Kapustin Yar gần Biển Caspi, nơi tên lửa Nga được phóng đi. Cuộc tấn công này cách biên giới Ukraine hơn 640 km, xa hơn bất kỳ tên lửa nào mà phương Tây từng cung cấp cho Kyiv.
Trong những tháng gần đây, các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái đã trở thành hiện tượng thường xuyên. Ukraine liên tục nhắm vào các mục tiêu chiến lược của Nga như kho đạn, sân bay, trung tâm hậu cần và nhà máy lọc dầu.
Vào Ngày Lực lượng vũ trang Ukraine vừa qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky giới thiệu thiết bị bay không người lái tấn công tầm xa mới nhất có tên "Peklo" (Địa ngục). Lô hàng đầu tiên đã được chuyển giao cho quân đội. Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine, ông Herman Smetanin, cho biết dòng thiết bị này có tốc độ hơn 640 km/h và tầm hoạt động tương tự.
Bên cạnh đó, Ukraine đang đẩy nhanh phát triển các hệ thống tên lửa của riêng mình. Hai vũ khí mới, Palianytsia và tên lửa hành trình Neptune, đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Neptune từng được sử dụng để phá hủy soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen vào năm 2022.
Mặc dù đạt được những tiến bộ, Ukraine vẫn phụ thuộc lớn vào viện trợ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể giảm viện trợ, đẩy Kiev vào thế khó.
Châu Âu, nơi cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí, khó có thể bù đắp sự thiếu hụt từ Mỹ. Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu, bao gồm Hungary và Slovakia, đang thúc đẩy chấm dứt chiến tranh bằng biện pháp đàm phán.
Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Royal United Services (Anh), cho biết: “Ukraine cần nhanh chóng giảm phụ thuộc vào viện trợ vũ khí từ phương Tây, vì hiện tại Mỹ vẫn là nguồn cung cấp đáng tin cậy nhất”.
Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang được mở rộng mạnh mẽ. Các khoản đầu tư quốc tế, bao gồm 440 triệu USD từ EU và 800 triệu USD từ Mỹ, đã giúp thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine khẳng định cần thêm nhiều nguồn lực để đạt được mức sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu chiến trường.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng một đội hình lớn thiết bị bay không người lái cũng không thể giải quyết được các vấn đề chiến thuật mà Ukraine đang đối mặt. Những thách thức về nhân lực, huấn luyện và chỉ huy chiến trường vẫn là những rào cản lớn cần vượt qua.
Ông Yehor Cherniev, một quan chức quốc phòng Ukraine nhấn mạnh: “Cuộc chạy đua phát triển vũ khí của Ukraine không chỉ là nỗ lực tự vệ trước Nga, mà còn là chiến lược sống còn để bảo vệ sự tồn tại của đất nước”.