Tuyên bố đăng tải trên website riêng của bộ trên nêu rõ: "Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố từ 5h ngày 10/11, lực lượng vũ trang Cộng hòa Armenia cùng với lực lượng vũ trang Nga sẽ tuân thủ các điều khoản trong lệnh ngừng bắn 3 bên được ký kết bởi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Nagorny-Karabakh".
Trước đó, các nhà lãnh đạo Armenia, Azerbaijan và Nga đã ký một thỏa thuận chấm dứt xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh sau hơn một tháng xảy ra giao tranh đẫm máu. Động thái này mở đường cho một thỏa thuận chính trị lâu dài tại khu vực Nagorny-Karabakh.
Lãnh đạo khu vực Nagorny-Karabakh, ông Arayik Harutyunyan khẳng định ngừng bắn là điều tất yếu sau khi thỏa thuận trên được ký kết.
Theo ông Arayik Harutyunyan, các lực lượng sắc tộc Armenia đã mất một số khu vực trong 6 tuần giao tranh và các đơn vị Azerbaijan đã tiến gần tới Stepanakert, thủ phủ của khu vực Nagorny-Karabakh.
Sáng sớm 10/11, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorny-Karabakh trong khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn nói trên.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắt đầu triển khai 1.960 quân nhân cùng với các phương tiện và thiết bị tới một căn cứ không quân ở Nagorny-Karabakh. Theo kế hoạch, số binh sĩ này sẽ đồn trú tại đây ít nhất 5 năm. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình này sẽ được triển khai tại khu vực tiền tuyến Nagorny-Karabakh và hành lang giữa khu vực này với Armenia.
Cũng theo ông Putin, thỏa thuận trên sẽ tạo điều kiện cho người dân trở về Nagorny-Karabakh, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi tù binh và thi thể những người tử trận. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế và vận tải tại khu vực này sẽ được nối lại với sự trợ giúp của lực lượng Nga đóng tại khu vực biên giới.
Trong khi đó, đánh giá về thỏa thuận trên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng Azerbaijan đồng minh của Ankara "đã giành được lợi thế quan trọng cả trên chiến địa lẫn trên bàn đàm phán".
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Căng thẳng bùng phát tại đây từ cuối tháng 9 vừa qua đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.