Trong một thông báo mới đưa ra, thủ lĩnh Ủy ban Cách mạng tối cao của phiến quân Houthi Mohammed Ali al-Houthi tuyên bố ngừng các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái nhằm vào Saudi Arabia và UAE để tránh tạo cớ cho các quốc gia này tiếp tục các hành động gây chiến hoặc phong tỏa. Tuyên bố cũng nêu rõ lực lượng phiến quân Houthi đã sẵn sàng đóng băng và ngừng mọi chiến dịch quân sự cũng sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới nhằm kết thúc cuộc chiến tại Yemen.
Ông Mohammed Ali al-Houthi còn cho biết quyết định trên được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu của đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề Yemen Martin Griffiths để "thể hiện thiện chí trước khi các bên bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình". Trước đó, hôm 16/11, phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, đặc phái viên Griffiths cho biết ông sẽ sớm mời các bên tham chiến tại Yemen ngồi vào bàn đàm phán tại Thụy Điển. Ông cũng tiết lộ Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận về trao đổi tù nhân và những người bị tạm giam.
Trong thời gian qua, các bên tham chiến tại Yemen đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế, yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và đẩy quốc gia Trung Đông này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Thông báo của Houthi được đưa ra trong bối cảnh trước đó liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã tạm dừng chiến dịch tấn công nhằm vào tỉnh Hodeidah ở Yemen. Đặc phái viên Grifftiths đang nỗ lực để cứu vãn tiến trình hòa đàm tại Yemen sau khi vòng đàm phán hồi tháng 9 đổ vỡ vì đại diện của phiến quân Houthi không tham dự.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi, các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh và các lực lượng trung thành với chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi. Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi, theo đó tiến hành hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của phiến quân Houthi. Để đáp trả, Houthi đã thực hiện hàng trăm vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, trong đó đa số bị lực lượng phòng không Saudi Arabia đánh chặn.
Chính phủ Yemen luôn kiên định lập trường lực lượng phiến quân Houthi phải rút hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ mà lực lượng này chiếm giữ từ năm 2014. Tổng thống Hadi đã nhiều lần yêu cầu Houthi phải giao nộp vũ khí và rút khỏi các thành phố, đồng thời khẳng định rằng bất cứ cuộc đàm phán hay tiến trình chính trị nào cũng cần phải tuân thủ Nghị quyết 2216 của LHQ, theo đó Houthi phải hạ vũ khí đầu hàng và rút khỏi các khu vực chiếm đóng.
Yemen là một trong những quốc gia Arab nghèo nhất, bị chiến tranh tàn phá nặng nề kể từ khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite chiếm giữ phần lớn đất nước, bao gồm cả thủ đô Sanaa vào năm 2014. Một năm sau đó, Saudi Arabia dẫn đầu liên minh quân sự các nước Arab can thiệp vào Yemen, ủng hộ chính phủ của Tổng thống Abd- Hadi được quốc tế công nhận nhưng phải lưu vong. Xung đột đã khiến hơn 10.000 người Yemen thiệt mạng, trong khi LHQ cảnh báo quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 7 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói và hơn 20.000 người tử vong do dịch tả.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại đối với trẻ em tại Yemen khi cứ mỗi năm lại có 30.000 trẻ em nước này tử vong vì suy dinh dưỡng, trong khi cứ mỗi 10 phút lại có 1 em chết vì các căn bệnh thông thường vốn có thể dễ dàng phòng ngừa. Thống kê của UNICEF cho thấy 1,8 triệu trẻ em Yemen dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi cuộc sống của 400.000 em khác cũng đang bị đe dọa.