Chiến sự tiếp diễn trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép nhằm sớm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua ở quốc gia Arab này, vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, cùng với chiến dịch tấn công lớn trên bộ của lực lượng được chính phủ hậu thuẫn nhằm truy quét lực lượng Houthi, các lực lượng hải quân và liên minh quân dự do Saudi Arabia dẫn đầu đã pháo kích vào các vị trí của phiến quân tại Hodeida - thành phố cảng quan trọng là nơi trung chuyển 3/4 hàng hóa nhập khẩu và là cửa ngõ cho hàng cứu trợ nhân đạo. Giao tranh dữ dội cũng xảy ra ở các tỉnh Bayda và Saada.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/11, Anh thông báo nước này đang hối thúc các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại Yemen. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã nhất trí với phái viên LHQ về Yemen Martin Griffiths "rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để HĐBA hành động nhằm thúc đẩy quá trình do LHQ dẫn đầu". Theo ông, "lần đầu tiên dường như có một cánh cửa mà ở đó cả hai bên có thể được khuyến khích đi tới bàn đàm phán, chấm dứt giết chóc và tìm ra một giải pháp chính trị là con đường dài hạn duy nhất thoát khỏi thảm họa". Ông tuyên bố Anh sẽ tận dụng "mọi ảnh hưởng của nước này để thúc đẩy cách tiếp cận theo hướng này" và đã có "một cơ hội tuy nhỏ nhưng thực sự, trong đó việc chấm dứt các hành động thù địch có thể làm giảm bớt nỗi thống khổ của người dân Yemen".
Yemen là một trong những quốc gia Arab nghèo nhất, bị chiến tranh tàn phá nặng nề kể từ khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite chiếm giữ phần lớn đất nước, bao gồm cả thủ đô Sanaa vào năm 2014. Một năm sau đó, Saudi Arabia dẫn đầu liên minh quân sự các nước Arab can thiệp vào Yemen, ủng hộ chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận nhưng phải lưu vong. Xung đột đã khiến gần 10.000 người Yemen thiệt mạng, trong khi LHQ cảnh báo quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 7 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói và hơn 20.000 người tử vong do dịch tả.