Tàu khu trục USS Fitzgerald của Hải quân Mỹ hoạt động trên biển, ngày 17/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhà báo thuộc tờ ThePolemicist.net., ông Jim Kavanagh cho rằng khoản ngân sách chi cho quốc phòng nói trên cao hơn rất nhiều so với mức đề xuất của ông Trump. Theo nhà phân tích này, chi tiêu cho quân đội Mỹ về cơ bản là không giới hạn và là một phần của cơ chế phức hợp quân sự-công nghiệp.
Đồng ý với quan điểm trên, Giám đốc điều hành Los Alamos Study Group, một tổ chức vận động giải trừ hạt nhân, ông Greg Mello đánh giá chi tiêu quân sự của Mỹ ít nhất là 1.000 tỷ USD vì nó sẽ bao gồm các chương trình vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng Mỹ, cũng như Bộ Quốc phòng, cộng với các dự án của Bộ An ninh Nội địa, cộng với các chương trình quân sự của Bộ Ngoại giao.... Ông Mello cho rằng đây thực sự là một khoản chi tiêu rất lớn của Chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, chuyên gia John Kiriakou thuộc Đài Sputnik lại chú ý đến cách thức NDAA được Quốc hội thông qua và xem đây là một vấn đề bị bỏ sót. Theo ông Kiriakou, NDAA được thông qua bằng hình thức biểu quyết. Ông cũng nói thêm rằng dự luật này có thể là bất hợp pháp vì vi phạm Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 2011 của Mỹ. Ngân sách 700 tỷ USD đã vượt quá mức chi tiêu quy định trong NDAA năm 2011, vốn yêu cầu mức chi tiêu khoảng 549 tỷ USD để giảm thâm hụt ngân sách.
Nói thêm về khía cạnh này, nhà phân tích Mello cũng chỉ ra rằng Mỹ hiện có ngân sách quân sự lớn nhất trên thế giới và cao gấp khoảng 10 lần so với số tiền Chính phủ Nga chi cho quân đội của họ. Theo ông Mello, chi tiêu ở mức này sẽ làm hạn chế các khoản đầu tư quan trọng khác của Mỹ trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới cơ sở hạ tầng và đối phó với các tình huống khẩn cấp do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.