Chè sen long nhãn đầu hè

Vị thanh ngọt của sắn dây hòa vào thị ngọt thơm của long nhãn, vị bùi của hạt sen là dư vị khó quên của món chè quê dành cho những ai muốn tâm hồn mình mát lành phút đầu hạ.

Quê tôi ở miền trung du Phú Thọ, nơi mà sản vật và cây trái tươi tốt bốn mùa. Những trưa hè oi ả, được cầm trên tay bát chè đỗ nước hay chè long nhãn, phe phẩy chiếc quạt nan ngồi hóng mát dưới gốc cây cọ xòa rộng tán lá thì thú biết mấy. Chẳng thế mà từ bao đời nay, cứ khi chuyển mùa, cái oi ả gọi mùa hè về là những bà mẹ quê lại trổ tài nấu những món chè làm xua tan đi cái nóng đầu mùa.

Người dân vùng trung du hay nấu chè sen với long nhãn để ăn giải khát vào đầu hè, giữa hè hay cuối hè, cả khi chuyển sang mùa thu. Muốn nấu được món chè dân dã này, người ta phải chuẩn bị nguyên liệu ngay từ mùa hè trước. Đó là những thứ quả, thứ hạt được lượm về, chắt lọc lấy phần ngon nhất rồi gói kĩ để dùng nấu chè. Hạt sen được hái về vào mùa hè trước từ dưới đầm sen của làng rồi bóc bỏ vỏ cứng bên ngoài, cả vỏ lụa bao bọc lấy hạt sen, cho vào sàng phơi dưới nắng hè gay gắt. Chỉ khi nào đưa lên miệng cắn thấy hạt sen giòn câng cấc thì những bà mẹ quê mới yên tâm cho vào chum hay vào lọ để dùng vào mùa sau.

Cũng vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, tu hú kêu khắp khu vườn quê, nắng hè oi ả gọi về mùa nhãn, người dân miền trung du đeo giỏ đi hái nhãn về thưởng thức và không quên làm long nhãn để làm nguyên liệu cho những món ăn vừa dân dã vừa đậm đà. Long nhãn được sấy hay phơi cho khô nỏ đến độ vàng óng như những cục mật ong mới cho vào túi hay vào lọ để dùng vào mùa thu, rồi mùa hè sang năm. Mới nhất, đang ở độ nồng thơm đó là những mẻ sắn dây vừa mới được đào sau tiết tháng Giêng. Người ta hì hụi, cạo vỏ, xay xay giã giã rồi vắt lấy những cục bột trắng ngần.

Bằng ấy nguyên liệu từ khu vườn quê, người dân miền trung du quê tôi chế biến được bát chè thơm ngon, đậm đà vào mỗi độ đầu hè.

Cách chế biến chè sen long nhãn khá tinh tế, đòi hỏi sự cẩn thận đến tỉ mỉ và cần nhất là sự say mê chế biến của những bà mẹ quê với tấm lòng thảo thơm. Hạt sen được cho vào đun chừng 30 phút cho bở và mềm sau đó mới cho long nhãn vào đun cùng. Vốn khô keo lại nhưng khi gặp nước nóng, long nhãn nở tròn xoe như những nụ hoa. Thường thì long nhãn không ninh lâu vì như vậy sẽ mất đi độ giòn và ngọt. Khi sen và long nhãn đã chín, người ta mới nêm đường kính. Thường khi nấu chè sen long nhãn, người dân quê thường cho đường trắng vì loại đường này ngọt thanh chứ không ngọt đậm và giữ được màu tươi trắng đến đẹp mắt. Khâu cuối cùng là cho bột sắn dây. Đây là nguyên liệu khá quan trọng vì sắn dây sẽ đóng vai trò là chất kết dính, tạo nên độ sóng sánh của chè. Bột sắn dây cho vừa phải để tạo nên độ trong và mềm mại của chè khi thưởng thức.

Nồi chè sen long nhãn vào mỗi buổi trưa hè khá hấp dẫn. Có độ vàng của những hạt sen hòa vào màu trắng trong của long nhãn và màu trắng tinh khiết của sắn dây. Khi thưởng thức, chè long nhãn có những dư vị khó quên so với những món chè khác. Có vị bùi bùi của hạt sen, có vị giòn ngọt của long nhãn, vị thơm và ngọt thanh của sắn dây. Thêm nữa, người nấu chè không quên ra vườn ngắt mấy bông hoa nhài đang độ nở xòe, nhúng vào mỗi bát chè để tạo vị hương mát dịu. Tất cả hòa quyện làm nên vị mát lành, xua tan đi cái oi ả của mùa hè, gọi về tình quê dân dã, ấm nồng, thơm thảo.

Chè hạt sen long nhãn, thức quà quê khó cưỡng mỗi khi hè về!

Nguyễn Thế Lượng

Bông cau rụng trắng vườn quê
Bông cau rụng trắng vườn quê

Những cây cau luôn vươn mình đứng thẳng, từng tàu lá xòe cho gió đong đưa, bông cau rụng trắng vườn quê mẹ, trắng trong tôi cả một trời thơ. Dẫu tháng năm trôi nhưng lòng mãi nhớ, vườn xưa quê cũ những yêu thương, gió chuyển sang mùa ru khúc hạ, bông cau cũng trắng cả vườn quê…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN