Chuyện là thế này: Tình cờ ở thư viện, một hôm tôi xem đến một tờ báo ảnh thấy bông cỏ bù rò do một nghệ sĩ nhiếp ảnh nào đó chụp, có thể nói là “chúng rất tuyệt hảo”. Nó tuyệt hảo ở chỗ: ảnh là ảnh đen trắng, nghệ sĩ chụp ngược sáng đặc tả một bông trong cụm phắt lên, được viền một lớp ánh sáng trắng hạt hệt như hạt lúa, người xem bông còn thấy “cả râu” đuôi hạt nhỏ teo. Cỏ bù rò, hạt chỉ lớn hơn một cái đầu kim khâu bao rất hay khâu gấu quần người đi qua nó (vì thế mà chúng còn có tên cỏ may) là vì vậy. Bám gấu quần, chúng bám dính có khi tới thắt lưng, tùy nơi .
Bù rò, một loại cây không bao giờ uốn cong xuống đất như bông lúa chỉ vì là cây cứng và bông nhẹ. Giống súc vật như trâu bò, không mấy khi ăn chúng. Lý do vậy là vì rằng, cây ít chất dinh dưỡng. Cỏ bù rò, chúng không bao giờ chịu đổ trong gió bão (trừ ra người xéo đạp lên nó) trong chốc lát, cây lại đứng lên ngay. Người dân quê tôi thường dùng cỏ bù rò vào hai việc. Thứ nhất: phơi khô đun thay rạ (vì là cỏ bù rò đậu than). Thứ nhì là đánh gianh lót dưới chiếu nằm lấy êm, lấy ấm dù có là mùa hè. Mùa đông khô khốc, mùa hạ nắng chang, cỏ bù rò không hây hấn gì, mọc khắp trên các vùng châu thổ sông Hồng (nhất các sườn đê hay cánh bãi tha ma) không đâu không cỏ bù rò.
Lại quay lại tấm ảnh. Chẳng biết là có đúng (hay do tôi “nhận vơ” không chừng) bông cỏ trông “quen quen”, quen như là tác giả chụp nó ở bờ đê quê tôi, sườn bờ trái con sông Hạ Đồng gắn bó với tôi từ thuở thiếu thời, bông thường đậm và có màu trắng tím. Tôi nói bờ trái là do tôi ở bờ đê làng ra sông hướng đi lên thành phố Thái Bình thì bên tay phải tôi, là bên Hạ Đồng con sông. Chỗ này, sông có một khúc cua, sau mới thẳng lên tới Vô Hối cỏ là nhiều nhất hạng chiều tan tầm thả trâu, tôi thả cho trâu ăn sau một ngày làm lụng, áo quần mài xuống cỏ. Ở đây luôn có một con đò qua sang nối hai bờ Đồng Tỉnh với bên Hạ Đồng. Hay không phải vậy đi nữa, thì tác giả còn vào sâu tận chân tre rìa làng Đồng Tỉnh “giơ máy”chụp đám cỏ bù rò la liệt cả cánh mả Đồng Hòa, nơi chôn cất mẹ tôi với bao người từ đời này sang đời khác, già có trẻ có, có những ngôi nay không còn người nhận.
Cỏ bù rò cho tôi nhớ quê, qua tấm ảnh “xem nhờ”.