Từ thuở xa xưa, khi cậu bé làng Gióng chuẩn bị lên đường đánh giặc Ân cứu nước thì “cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã chật”, bà con dân làng đã tự nguyện may áo mới cho Gióng và đem đến “bẩy nong cơm, ba nong cà” cho cậu bé ăn lớn nhanh như thổi, vươn vai một cái là đủ sức đánh tan giặc cứu nước. Tự bao giờ ý chí yêu nước đánh giặc của quân và dân đã gặp nhau, đã bồi đắp nên một tình cảm cộng đồng đặc biệt là tình quân dân.
“Quân với dân như cá với nước” là một hình ảnh đẹp nói về tình nghĩa sâu nặng gắn bó mật thiết, sự gắn bó tự nhiên mà bền bỉ ân tình. Đất nước gian lao, liên miên chiến trận, cả dân tộc phải gồng mình dũng cảm kháng chiến mới giữ được non sông gấm vóc. Bao nhiêu trang sử chiến trận là bấy nhiêu trang thơ về tình quân dân. Bao nhiêu trang thơ về tình quân dân vì sao vẫn nguyên vẹn hơi ấm đến muôn đời khiến chúng ta đọc lại vẫn xúc động. Từ những vần thơ mộc mạc của Tố Hữu “Bao bà cụ từ tâm làm mẹ/ Yêu quí con như đẻ con ra/ Cho con nào áo nào quà/ Cho củi con sưởi cho nhà con ngơi…” - (Bầm ơi).
Ở đây, tình quân dân đã đồng nhất với tình mẫu tử, thật sâu nặng, lớn lao và thiêng liêng biết bao khi những bà mẹ nghèo vẫn dành dụm tất cả cho bộ đội, yêu thương chăm chút bộ đội như con đẻ. Rồi các mẹ thức thâu đêm vá áo chiến sĩ, đơm từng chiếc cúc đứt bên ánh đèn dầu tù mù… Những đêm bộ đội về làng, cả làng nổi lửa nấu cơm, hàng ngàn nắm cơm thơm dẻo tình quân dân được chuẩn bị cho cuộc hành quân ngày mai sao mà ấm áp nghĩa tình. Trên đường ra trận, biết bao ngôi làng, biết bao ngôi nhà cùng bao tấm lòng vàng đã rộng mở đón bộ đội. Những ngày bộ đội về làng thật là đầm ấm “Các anh về mái ấm nhà vui/ Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ… Đàn em hớn hở chạy theo sau/ Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con ở rừng sâu mới về” - (Bộ đội về làng - Hoàng Trung Thông). Các anh tới đâu cũng là quê hương, đằm thắm nghĩa tình. Bà con dân bản nơi nào cũng yêu thương anh bộ đội Cụ Hồ đang vì nghĩa lớn đi cứu nước. Cái cảnh “nồi cơm nấu dở, bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau” thật là cảm động, nó dung dị đời thường mà lắng đọng mãi những khoảnh khắc tình quân dân sâu nặng, nghĩa đồng bào máu thịt.
Nhà thơ Nguyễn Duy khi là bộ đội thông tin đã có một trải nghiệm độc đáo. Trong một đêm giá rét anh đi tìm nơi ngủ nhờ. Gõ cửa ngôi nhà ven đồng chiêm, bà mẹ nghèo đón anh. Nhà hẹp nhưng rộng bụng, chiếu chăn chả đủ, mẹ lót ổ rơm cho anh nằm: “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng” niềm xúc động dâng lên, bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” đã ra đời. Tác giả đắm mình trong “Hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò” mà thấm thía hơi ấm tình quân dân, nhà thơ thấy đó là “Cái ấm nồng nàn như lửa” nó mộc mạc chân quê mà nhớ da diết suốt đời. Chính hơi ấm đã nuôi dưỡng ý chí “Trung với Đảng, hiếu với dân” của các anh suốt những năm tháng chiến trận ác liệt. Hơi ấm quí giá, cái ngọt ngào tin cậy của tình người đã nuôi dưỡng tâm hồn và sức mạnh của người lính. Đó là tấm chân tình vô giá không bao giờ phôi pha. Đúng là quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dựa vào dân mà trưởng thành, được nhân dân che chở và nuôi dưỡng tiếp thêm sức mạnh trên hành trình vệ quốc, vì vậy mà trở thành đội quân bách chiến bách thắng…
Khi đất nước hòa bình, những trang thơ vẫn được viết tiếp rất đẹp, trong cơn bão lũ thiên tai. Bộ đội không rời dân, vì tính mạng và tài sản của dân, không quản khó khăn và có thể hy sinh mà cứu hộ, cứu nạn. Biết bao trang thơ đẹp khác cũng nồng nàn hơi ấm, bộ đội giúp dân sửa cầu đường, giúp dân xóa nạn mù chữ, xóa bỏ những hủ tục, phổ biến kiến thức khoa học, chữa bệnh cứu người… điều đó đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ở nơi nào có nhân dân, có bộ đội, là có tình quân dân ấm áp mến thương. Yêu dân, biết dựa vào dân và cũng nhờ nhân dân mà quân đội ta có sức mạnh vô song “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Dương Hiền Nga