Hồi đó ngoại tôi thường dạy con cháu mấy câu ca dao chân chất, dễ nhớ lâu quên như:
Xưa kia ai biết ai đâu,
Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen"
Thưa rằng bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người"
Bà nói: lá trầu, trái cau là cốt cách quê hương, là cái tâm, cái nghĩa, cái lòng của con người, bởi vậy bất kể nhà nào có chuyện vui, chuyện buồn như: tang ma, cưới, hỏi đều có mặt trầu, cau dù gia quyến sang, hèn thế nào cũng vậy.
Không hiểu sao đất quê ngoại lại trồng trầu tốt lạ thường. Xóm tôi có tới hàng trăm hộ trồng trầu từ đời này sang đời khác nghe nói cả trăm năm rồi. Thấy đơn giản nhưng lá trầu đã nuôi sống hàng vạn con người biết thương trầu, quyến luyến với trầu như những người bạn thân thiết nhất của cuộc đời. Mỗi ngày xóm trầu quê tôi lại rộn ràng với điệp khúc lao động thân quen: cơi giàn, hái trầu, bó ốp, làm cỏ, vô phân… vừa làm việc vừa kể chuyện làng, chuyện xóm rất rôm rả. Có nhiều đôi trai gái nên nghĩa vợ chồng cũng từ nguyên cớ làng trầu này.
Có những đêm trăng sáng, cả xóm tôi hái trầu ban đêm để kịp giao cho bạn hàng. Người hái, người bó, người nấu cháo khuya, làm vịt, gà ăn bồi dưỡng. Có mấy tay khoái đơn ca tài tử đem mấy cây đờn rồi trải chiếu dưới gốc trầu phục vụ miễn phí bên mấy chung rượu đế và mấy con khô, con cá.
Trầu quê tôi xanh tốt theo mô tả của nhiều thương lái: lá xanh mơn mởn, non tơ, mùi vị vừa chát vừa ngọt nồng không lẫn vào đâu được. Lá trầu Vị Thủy đi xa từ Bắc chí Nam nghe nói còn có mặt ở Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…
Mười năm trước, mẹ tôi gọi điện từ dưới quê lên cho hay, xóm trầu quê tôi vào khu qui hoạch xây dựng trung tâm thương mại. Cả xóm tôi mừng khấp khởi vì giá bồi hoàn khá cao. Nhà nhà thi nhau mua sắm phương tiện nghe nhìn, đi lại. Nhà mới mọc lên vùn vụt. Màu xanh xóm trầu mất dần, mất dần thay vào đó là sắt, đá, bê tông nằm la liệt bên tiếng máy thi công công trình hoạt động suốt ngày đêm.
Mẹ tôi kể: lúc còn sống, mỗi khi chiều xuống, ngoại tôi lặng lẽ tìm đến mấy mươi nọc trầu còn lại với đôi mắt ươn ướt như tiếc nuối một điều gì thiêng liêng lắm. Bà nói: trầu là người bạn tri ân với mình từ nhỏ đến giờ, sao nỡ buộc bà phải xa lìa chúng. Ai khuyên mấy bà cũng chẳng nguôi ngoai cả đến khi bà mất.
Chiều nay tôi lần bước tìm đến mấy nọc trầu còn sót lại như để tìm lại bóng dáng ngoại tôi trong làn gió se lạnh của không gian xuân về, Tết đến.
Chợt buồn khi nghĩ đến chuyện: mai này ai có ăn trầu. Mà có ăn thì tìm đâu những lá trầu chân chất quê tôi.