Thiên nhiên vốn ban tặng cho quê tôi những giồng cát trải dài mang nhiều cái tên dân dã: Giồng Luông, Giồng Chùa, Giồng Miễu, Giồng Ớt, Giồng Chanh, Giồng Trâm… trên đó người dân trồng rau màu thật tốt dù đất nóng hầm hập. Lạ lắm. Giữa những giồng cát xốp người dân có được những cái giếng đào sâu vài mét là có nguồn nước ngọt, ngọt đến lạ thường, màu nước trong veo.
Mấy mươi năm trước, lũ chăn trâu chúng tôi sau khi đánh trõng, đá banh thỏa thích thường rủ nhau ùa xuống những cái giếng giồng uống nước bằng cách bụm hai bàn tay lại làm gáo rồi vốc nước đó uống ừng ực với cảm giác thật mát lạnh. Có đứa còn tinh nghịch tát nước ướt cả thân thể rồi ùa nhau té chạy.
Mùa nắng hạn, chúng tôi thường đi theo người lớn đi “đổi nước”. “Đổi nước” là công việc khá vất vả nhưng kiếm khá nhiều tiền. Cha tôi mua một chiếc xe đẩy tay hai bánh trên đó có một cái thùng phuy được thiết kế một cái nắp nằm ngang để lấy nước từ dưới giếng vào trong. Đầu thùng phuy có một chiếc vòi bằng cao su để xả nước vào thùng thường bằng thiếc để chuyển vào nhà cho người mua nước.
Tôi thường giúp cha mình dùng gàu múc nước vào phuy rồi đi phía sau xe đẩy tiếp ông trên suốt quãng đường trong cái nắng thiêu người. Cực mà vui. Vất vả nhất là lúc khởi động xe ra khỏi khu vực giếng giồng vì cát lún và chưa có “trớn”. Những lúc nắng hạn tôi còn ra giếng nhìn cha mẹ tưới rau đậu bằng những cặp thùng tưới giữa trưa hè. Chúng tôi bẻ lá dừa, lá chuối cất “chòi” bên thành giếng để chơi nấu ăn, làm bánh để chờ người lớn xong việc.
Ngày nay, những chiếc giếng giồng hầu như mất dạng bởi những giếng khoan tay sâu hàng trăm mét, hệ thống “phông tên” nước máy có mặt khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Những chiếc máy bơm hiện đại công suất lớn thay thế sức người. Vậy mà mùa nắng hạn này, tôi lại bắt gặp những chiếc xe đẩy, những cái giếng giồng năm xưa đang vô tư phục vụ đời sống con người, vô tư tưới mát những mảnh đất hoa màu trong nắng nóng, bắt gặp lại nụ cười chân chất dân dã...