Cuốn tản văn "Năm tháng mặt người" của cây bút trẻ Nguyễn Quang Hưng, do NXB Phụ nữ ấn hành vừa ra mắt bạn đọc là tập tản văn giàu chất thơ, giàu vẻ đẹp văn hóa Việt, mà ở đó, tác giả như vừa tìm kiếm, nâng niu, trân trọng, vừa thấp thỏm lo lắng cho các giá trị văn hóa dân tộc đang dần biến thiên bởi thời gian, bởi sự vô tâm của con người…
Tập tản văn “Năm tháng mặt người” tập hợp 35 bài viết của Nguyễn Quang Hưng trong những năm gần đây. Mỗi tản văn đi kèm một minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi và được đề từ bằng thơ của chính tác giả. Trong đó, là những trang viết xúc động về người cha của tác giả, về nghề thêu của gia đình qua những thăng trầm… Bên cạnh đó là những bài viết về vùng đất Kinh Kỳ, Kẻ Chợ, về quê ngoại Tả Thanh Oai, về quê lụa Hà Đông nơi tác giả sinh ra. "Năm tháng mặt người" cũng viết về những nghệ nhân phường rối, những nghệ sỹ hết lòng gìn giữ văn hóa dân tộc qua những làn điệu quan họ, hát xẩm, hát chèo… qua bảo tàng văn hóa, ngôi nhà truyền thống…
Trước khi ra mắt cuốn tản văn “Năm tháng mặt người”, Nguyễn Quang Hưng đã có 5 tập thơ và trường ca: “Vườn ánh sáng”, “Mùa vu lan”, “Lòng ta chùa chiền”, “Chia ngũ cốc” và “Nước non mặt biển”. “Năm tháng mặt người” là tập tản văn đầu tiên của anh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980 tại Hà Đông (Hà Nội). Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Hà Nội; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đang công tác tại ấn phẩm Thời nay - Báo Nhân dân.