Hà Nội vốn có vô số thức quà. Phở, bún riêu, bún ốc, bánh cuốn..., nhưng tinh tế và cầu kỳ nhất phải kể đến bún thang.
Để có bát bún thang đúng điệu, cần tới gần hai chục nguyên liệu. Chăm chút nhất là nồi nước dùng. Nồi nước luộc gà thơm ngậy, thoảng hương gừng, lại thêm xương gà, tôm khô ninh trong nhiều giờ, có khi còn thêm sá sùng cho ngọt nữa. Người nấu vừa tranh thủ chuẩn bị các thức khác, thỉnh thoảng lại phải nhớ hớt bọt cho nước thật trong. Lúc sắp ăn, cho it nấm hương đã rửa sạch, luộc nhanh trong nước dùng, rồi vớt ra kẻo nát nấm.
Gà sau khi luộc chín mềm mà không nát sẽ được lọc bỏ xương rồi thái dọc thớ thành từng miếng nhỏ và dài chừng 5 -7 cm. Giò lụa ngon lạng ra từng khoanh mỏng rồi thái chỉ, để riêng. Trứng gà tráng thật mỏng, cuộn lại thái chỉ để trên một đĩa khác. Rau thơm, rau mùi, rau răm rửa kỹ, vẩy hết nước, rau mùi tàu (ngò gai) rửa thái ngang thân lá thành sợi nhỏ. Nếu có chút lá chanh thái sợi nữa thì tuyệt vị.
Bún dùng cho bún thang phải là bún rối sợi nhỏ lấy từ làng bún Phú Đô nổi tiếng. Sợi bún trắng bóng một màu ngà ngọc, mềm mà dai, đưa vào miệng thấy giòn và thơm mát. Lấy một lượng bún vừa đủ cho vào bát, rồi xếp thịt gà, giò, trứng tạo nên những mảng màu hấp dẫn trên mặt bát bún. Tiếp đó, cho rau thơm, rau dăm cắt nhỏ, mùi tàu, lá chanh, một hai chiếc nấm hương, chan nước dùng ngập rau và bún, rải trên cùng mấy lá rau mùi, lát ớt tươi... Làn hơi tỏa nhẹ quyện thứ hương thơm dịu, ngọt ngào như mời gọi. Rất lạ, bát bún thang thanh nhẹ thế, nếu thêm chút mắm tôm lại thành rất nổi vị (trong khi lỡ dính chút mắm tôm vào bát phở thì...). Ai có chút cà cuống cho vào lại càng đặc sắc, nhưng bây giờ khó kiếm và lớp trẻ như không biết ăn cà cuống. Một chén nhỏ đựng củ cải muối chua chua, giòn giòn, man mát, thêm đĩa quẩy giòn tan, thế là đủ hộ tống món bún thang lên hàng tuyệt phẩm!
Những buổi sáng ngày nghỉ, tôi cứ hay tơ tưởng món này, mời khách phương xa về cũng chọn món này. Muốn ăn ngon lại được ngồi trong một không gian thanh lịch thì đến nhà hàng Vườn ẩm thực ở Cửa Nam ăn bún thang Bà Ẩm (một nghệ nhân lâu năm chuyên làm bún thang. Nay bà đã cao tuổi, vợ chồng cô con gái đứng ra nối nghiệp và phát triển thương hiệu). Bình dân thì tìm đến ngõ Hàng Hành, gọi bát nhỏ vì còn để bụng ăn thêm đĩa xôi gà khá hoàn hảo với những miếng thịt gà ta thơm ngon, lại rưới thêm chút mỡ gà, magi, ăn xong cứ thong thả đi mấy bước sang cà phê Nhân hay sang Thủy Tạ nhâm nhi ly cà phê sữa đá. Cứ như không phải ăn và uống mà là nhấm nháp tận hưởng cái thú nhàn tản của một buổi sáng đẹp trời...
Nguyễn Kỳ