Nhớ hoài hương vị cà na
“…Long Thắng là xứ quê mùa
Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na…”
Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch là tôi lại nhớ về quê ngoại của mình da diết bởi một sự trùng hợp giữa câu chuyện ông ngoại tôi đợi tới mùa Cà Na “đong ken” lại tẩn mẩn chế biến rồi mang cho con cháu xứ Cần Thơ với đúng hệt với hai câu ca dao mà chúng tôi thuộc lòng từ tấm bé.
Cứ mỗi lần như vậy, ngoại tôi lại kể về xã Long Thắng, huyện Lai Vung, Đồng Tháp - nơi từ lâu đã được mọi người biết đến là xứ sở của những cây cà na mọc hoang dài dọc hai bờ kinh. Ngoại tôi nói vui : nhiều người bán cà na cứ nói bừa “…trồng cà na cực khổ, tưới nước, tưới phân đều đặn tốn kém nên giá bán hơi cao…”, nói vậy là chưa đúng, không hiểu về loại cây từ trên trời rơi xuống.
Lạ. Không phân thuốc, không chăm sóc vậy mà Cà na vẫn xanh tốt, trái trĩu cành và cứ vươn chồi, nẩy lộc. Nước lớn, nước ròng, nước lũ, nước hạn hình như cũng chẳng ảnh hưởng đến chúng. Nhiều người còn nói vui cà na là loại cây “Nắng rất ưa, mưa rất chịu” là vậy.
Mấy năm trở lại đây, ngoại tôi vẫn sang chơi tháng 7, tháng 8 như lệ cũ vừa đón lễ Vu Lan, vui tết Trung thu cùng con cháu, vẫn mang theo mấy hũ cà na ngào đường, ngâm nước muối đường cho xấp nhỏ nhưng ánh mắt ông ngày một buồn thêm. Hỏi mãi ông mới nói: Long Thắng bây giờ cà na đã hiếm dần, người ta đốn bỏ chúng để cất nhà, làm đường giao thông, đê bao... bởi chúng là loại trái hoang, rẻ tiền, không kinh tế.
Nhưng với ngoại tôi và nhiều người già đã gần đất xa trời vẫn thấy lòng vui và thanh thản khi mỗi chiều chống gậy ra sông nhìn đám cà na xanh tươi đầy trái, có lúc dập dìu trôi nổi trên dòng nước nước khi có tàu ghe đi qua. Và cứ vào tháng 7, tháng 8 âm lịch, người lớn, con nít xứ Long Thắng lại kéo nhau đi hái cà na bán cho thương lái. Người lớn, trẻ con thì dùng tiền kiếm được mua tập vở, quần áo chuẩn bị cho năm hoc mới, riêng ngoại tôi lại bắt đầu cho công việc chế biến món ăn từ trái cà na để chuẩn bị làm quà cho con cháu.
Mua cà na ở thành phố bây giờ quá dễ dàng, giá nào cũng có. Mua tại các quầy bán lẻ, siêu thị, các gánh hàng rong, kể cả mua trên mạng giao tận nhà cũng chẳng hiếm hoi gì. Cà na “sống” tràn về thành phố từ các địa phương: An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang… Nhưng các con tôi vẫn cứ chờ những hũ cà na do ông ngoại tôi đích thân chế biến và mang sang từ vùng quê Long Thắng, để được tận hưởng hương vị vừa chan chát, vừa ngọt ngào của những trái cà na dân dã đã bao đời gắn bó với người dân vùng sông nước, lại được nghe ông chúng kể chuyện nhiều câu chuyện cổ tích hấp dẫn lạ thường.