Ngày tôi còn nhỏ, hễ cứ tới mùa hạn là dân cả làng cả xã lại kéo nhau ra đồng để tát nước chống hạn cho lúa, cho các loại cây rau màu. Ngay khu đồng xã tôi có một cái hồ chứa nước rộng chừng vài héc ta, và nó được tích nước từ mấy con suối nhỏ chảy từ trên núi xuống, vì thế mà vài tháng đầu mùa khô còn có nước để tưới tắm cho mùa màng. Khi tới mùa khô, xung quanh cái hồ nước ấy có tới cả vài trăm chiếc gàu sòng, gàu dây được bắc lên để tát nước. Hầu như nhà nào cũng ra hồ tát nước bởi chỉ cần vài ngày ruộng không được cung cấp nước là có nguy cơ lúa, đậu đỗ, ngô... bị chết khô héo.
Với các vạt ruộng ở gần hồ thì công việc tát nước vào ruộng là nhanh, dễ ràng, nhưng nhiều vạt ruộng ở xa tít tắp so với hồ nước nên việc tát nước là rất cực nhọc vất vả. Có khi dòng nước được tát từ hồ lên một máng nhỏ, rồi nước chảy theo máng ấy chạy dài tới cả cây số, thậm chí vài cây số mới tới ruộng. Cũng có khi muốn đưa được nước lên tới các chân ruộng cao ở ven đồi thì người ta phải tát theo một cấp bậc nữa, nghĩa là từ hồ vào máng rồi, sau đó lại phải tát từ máng lên một máng khác cao hơn ở trên thì nước mới chảy tới ruộng. Chẳng vậy mà có gia đình huy động cùng lúc tới cả gần chục người đi tát nước chống hạn. Vì các đường máng chạy dọc từ hồ tới các khu ruộng số lượng có hạn nên nhiều khi các gia đình tát chung nhau, nghĩa là cùng nhau tát nước dưới hồ vào con máng để nước chảy chung vào các ruộng. Nếu nhà ai neo đơn, ruộng lại trên cao thì họ cũng thường trao đổi tát nước chung, bởi khi đó sẽ thuận tiện hơn, chứ cứ tát theo kiểu cấp bậc vừa mệt, vừa lâu công...
Khung cảnh tát nước chống hạn cho mùa màng trong những tháng mùa khô luôn tất bật và nhộn nhịp như vậy. Không chỉ ban ngày, mà ban đêm cảnh tát nước vẫn diễn ra vì nhiều hộ tát ngày chưa đủ lại tranh thủ tát đêm. Nhiều hôm mấy anh chị em chúng tôi theo bố mẹ đi tát nước từ chiều tối cho tới tận quá nửa đêm, khi ông Trăng bắt đầu lên đến đỉnh đầu thì mới trở về nhà.
Việc tát nước chống hạn trong những tháng năm tôi còn nhỏ thì đều dùng sức người, khi phương tiện chủ yếu dùng để tát nước là bằng gàu được đan bằng nan tre, trong đó có 2 loại, đó là gàu giai và gàu dây. Gàu giai hình bầu chỉ dành cho một người tát, còn gàu dây có hình tròn, hai bên buộc dây chão, dùng cho hai người tát. Thường là gàu giai do những người lớn đảm nhiệm, bởi để múc được một gàu nước nặng tới mấy chục cân thì sức trẻ nhỏ là khó lòng làm được. Gàu dây dẫu khối lượng nước cũng tương đương gàu giai, nhưng do trọng lượng được chia đều cho hai người đứng tát, vì vậy nó nhẹ đi đôi chút và trẻ nhỏ độ trên dưới 10 tuổi đã có thể đứng tát cùng người lớn được rồi. Chẳng vậy mà mấy anh chị em trong nhà tôi đứa nào lên 8, lên 9 là mẹ đã bắt ra đồng rồi dạy cách cầm gàu tát nước. Ngày mới tập đứng gàu dây tát nước tôi cũng chỉ bỡ ngỡ độ vài bữa rồi sau đó thành thạo ngay. Bước qua tuổi lên 10 tôi đã là lao động chính trong các buổi đi tát nước chống hạn cùng mẹ cha.
Năm tháng qua đi, công việc tát nước chống hạn không còn cơ cực vất vả như ngày tôi còn nhỏ. Hạn thì vẫn vậy, vẫn khô khát định kỳ mấy tháng trong năm nhưng cây cối mùa màng luôn được tưới tắm bằng dòng nước của máy bơm chạy điện, chạy dầu.
Nhưng mỗi khi qua vùng đất vào mùa khô khát, với khung cảnh tất bật của người dân, tôi thấu hiểu và cảm thông với nỗi khổ của họ, vì đã có một thời gian dài trong ký ức tuổi thơ tôi cũng đã phải đổ biết bao mồ hôi cho công việc tát nước chống hạn cứu mùa màng...