Với tôi, ký ức tháng cô hồn cứ đi theo cuộc đời tôi như một dấu ấn không thể xóa nhòa theo dòng thời gian. Sao quên được những đêm mưa rằm tháng bảy, lũ trẻ nghèo xóm tôi xúm xít trước những cái mâm cúng “cô hồn, cát đản” để chờ đợi giây phút gia chủ cúng xong hào phóng ném những đồng tiền xu ra sân phát ra những tiếng kêu loảng xoảng.
Lũ trẻ hăm hở xông vào, chen nhau giành giật những cái bánh in, những lóng mía, những viên kẹo đầy màu sắc, những đồng tiền lẻ nhưng quý giá vô chừng. Có đứa khóc tức tưởi vì không giành được bất kỳ thứ gì mà người ta cúng kiến, ban phát cho lũ trẻ xóm nghèo. Có đứa cười hớn hở khi đã lấy được khá nhiều đồ cúng rồi nhanh chân chạy mất.
Tháng 7. Trong căn nhà nhỏ hôi hám, chật chội, nội tôi thường kể cho tôi và mấy đứa nhỏ cùng xóm về câu chuyện Mục Liên xuống âm ty xin tội cho mẹ mình là bà Thanh Đề hung ác. Nội nói: là người phải biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, không được gian dối, làm điều ác khi chết sẽ bị đày xuống 12 cửa ngục để chịu cực hình đau đớn như: đóng đinh, cắt lưỡi, nấu vạc dầu…
Vu Lan bây giờ khác xưa nhiều lắm. Lũ nhỏ “ cô hồn” cũng không còn như trước. Người ta bảo nhau ăn chay, niệm Phật, đi chùa như để gội rửa bớt tội lỗi của mình trong cuộc sống bon chen cơm, áo, gạo, tiền; để thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng hơn trong hơi thở Sài Gòn xô bồ. Đồ cúng “cô hồn” giờ cũng ngon hơn, kiểu dáng hơn, sang trọng hơn, màu sắc hơn.
Còn tôi cứ buâng quơ nhìn vào tờ lịch treo tường để thấy mồn một từng ngày của tháng 7 qua đi, để nhớ về bao kỷ niệm của tháng “cô hồn”.