Nghiên cứu trên do nhà khoa học Sara Seidelmann ở Bệnh viện Brigham and Women ở thành phố Boston, Mỹ, cùng một số các nhà khoa học khác thực hiện.
Để có kết luận trên, các nhà khoa học đã theo dõi tình hình sức khỏe và bệnh án của gần 15.500 đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi 45 đến 64 tuổi tại 4 địa điểm ở Mỹ trong khoảng thời gian từ 1987 - 1989. Những người tham gia công trình khoa học này trả lời các câu hỏi về thói quen ăn uống và khẩu phần ăn của mình.
Kết quả cho thấy 25 năm sau khoảng thời gian trên, trên 6.000 người gồm cả hai giới tham gia nghiên cứu đã tử vong.
Các nhà khoa học chỉ rõ trong số những người tham gia, những người tiếp nhận 50 - 55% lượng calo từ carbohydrates trong chế độ ăn hàng ngày sống lâu hơn so với những người thực hiện chế độ ăn ít tinh bột giàu protein. Tuổi thọ trung bình của những người ăn nhiều tinh bột hơn được kéo dài thêm 4 năm so với 1 năm của những người có chế độ ăn kiêng low-carb.
Theo nhóm nghiên cứu, việc tiếp nhận ít hơn 40% tổng lượng calo từ tinh bột được coi là chế độ ăn low-carb, trong khi nhiều chế độ ăn kiêng khác cắt giảm tỷ lệ này xuống còn 20% hoặc ít hơn.
Bà Seidelmann nhận định chế độ ăn thay thế carbohydrates bằng protein hoặc chất béo đang trở nên thịnh hành bởi xu hướng ăn kiêng giảm cân ngày càng tăng, song chế độ ăn giàu protein động vật và ít carbohydrates này có khả năng liên quan đến nguy cơ tuổi thọ giảm. Do vậy, chế độ ăn này không được khuyến khích.
Nhóm nghiên cứu nhận định rằng thay vì thịt, những người ở độ tuổi trung niên chuyển sang chế độ ăn nhiều chất béo có nguồn gốc thực vật như quả bơ và các loại hạt; và protein từ các sản phẩm đậu nành hay hạt đậu lăng sẽ giảm được nguy cơ tử vong.
Các nghiên cứu trước đó với sự tham gia của 432.000 người cũng ghi nhận kết quả tương tự với nghiên cứu của nhóm của bà Seidelmann. Nhà nghiên cứu dinh dưỡng Ian Johnson thuộc Viện Sinh học Quadram ở Norwich, Anh, nhấn mạnh không có gì có thể đảm bảo từ việc thực hiện chế độ low-carb giàu protein động vật trong thời gian dài.
Ông Johnson cho rằng điều quan trọng là chất lượng chứ không phải là số lượng tinh bột trong chế độ ăn, do vậy mọi người nên tuân thủ một chế độ ăn khoa học gồm giàu chất xơ, các loại ngũ cốc nguyên hạt hơn là chế độ ăn chứa nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn.