Đây là kết luận trong công trình của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y học Mỹ (JAMA) về thần kinh ngày 3/4.
Công trình được thực hiện dựa trên nghiên cứu đối với hơn 1,4 triệu trẻ em sinh ra trong khoảng từ năm 1997-2011 ở Thụy Điển, theo đó, 0,5% trẻ trong số này, tức 7.592 trẻ, được chẩn đoán bị động kinh trong năm 2012.
Theo nghiên cứu, nguy cơ bị động kinh tăng 11% đối với trẻ do các bà mẹ thừa cân, tức có chỉ số cơ thể (BMI) trong khoảng từ 25-30, sinh ra.
Những phụ nữ béo phì, có chỉ số BMI từ 30 đến dưới 35, có nguy cơ sinh ra trẻ bị động kinh cao hơn 20% so với những phụ nữ có cân nặng bình thường.
Đối với những phụ nữ có chỉ số BMI từ 35 đến dưới 40, nguy cơ này cao hơn 30%, và ở những phụ nữ béo phì nghiêm trọng, nguy cơ cao hơn tới 82%.
Các nhà nghiên cứu cho rằng thừa cân hoặc béo phì trong thai kỳ có thể khiến trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương não hơn, hoặc ảnh hưởng đến phát triển thần kinh của trẻ.
Động kinh là bệnh rối loạn chức năng sinh lý của não bộ. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh này. Các nhà khoa học cho biết công trình không đi sâu nghiên cứu các nguyên nhân khiến trẻ có nguy cơ bị động kinh cao hơn, trong đó có thể bao gồm yếu tố di truyền và môi trường.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc ngăn chặn tình trạng quá cân hoặc béo phì ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở có thể là một chiến lược y tế quan trọng nhằm giảm tỷ lệ động kinh ở trẻ.
Trước đó, một công trình nghiên cứu ở Đan Mạch, được Học viện Nhi khoa Mỹ công bố hồi năm 2016, cho thấy với phụ nữ có chỉ số BMI cao hơn trước khi mang thai, nguy cơ trẻ sinh ra bị liệt não cao hơn.