Với phát hiện trên, các nhà nghiên cứu Australia hy vọng có thể tăng hiệu quả của các loại thuốc hóa trị trong việc điều trị ung thư não.
Đó là kết quả nghiên cứu được công bố ngày 31/5 trên tạp chí chuyên ngành. Bà Taskeen Janjua, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hạt nano silica mới có thể được nạp temozolomide - một loại thuốc phân tử nhỏ được sử dụng để điều trị các khối u được gọi là u nguyên bào thần kinh đệm.
Theo kết quả nghiên cứu từ chuột, các hạt nano tích lũy thành công trong não trong vòng vài giờ mà không gây bất kỳ tác động tiêu cực nào đến các cơ quan quan trọng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Janjua cho biết loại thuốc hóa trị này có những hạn chế vì không tồn tại trong máu lâu, có thể bị đẩy ra khỏi não và không có khả năng thâm nhập từ máu vào não cao.
Bà lưu ý rằng để làm cho thuốc hiệu quả hơn, các nhà nghiên cứu đã phát triển một hạt nano siêu nhỏ, có lỗ lớn, giúp di chuyển qua hàng rào máu não và thâm nhập vào khối u, đồng thời giảm các tác dụng phụ không mong muốn cho bệnh nhân. Chiến lược này có thể là một cách hiệu quả hơn để điều trị ung thư não và ngăn ngừa bệnh quay trở lại.
Phó Giáo sư Amirali Popat, đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng kết quả rất hứa hẹn, nhưng cần phải nghiên cứu thêm. Hệ thống phân phối thuốc sáng tạo này có khả năng cải thiện hiệu quả điều trị ung thư não và có thể dẫn đến các phương pháp điều trị mới và tốt hơn cho căn bệnh quái ác này. Nghiên cứu tiền lâm sàng này sẽ thúc đẩy sự phát triển lâm sàng trong tương lai của công nghệ y tế đầy hứa hẹn và tiếp tục đạt được mục tiêu cải thiện kết quả cho bệnh nhân ung thư não.
Dữ liệu từ Cancer Australia, một cơ quan chính phủ quốc gia, cho thấy ung thư não là nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổ biến thứ 9 ở Australia năm 2020. Cơ hội sống sót khi mắc căn bệnh này trong hơn 5 năm chỉ có gần 23%.