Đây là thông tin được bác sỹ Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ngày 2/7.
Theo bác sỹ Thảo, trong 2 tuần qua, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang. Trung bình mỗi ngày từ 80 - 100 ca viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang, tăng đột biến gấp nhiều lần so với những tháng trước.
Các bệnh nhân đa phần có biểu hiện thương tổn da, nổi hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân… Nguyên nhân là do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa pederin - độc tính gây bỏng da. Cá biệt có những trường hợp nặng gây tổn thương nghiêm trọng toàn thân.
Anh L.H (Quận 9) đến Bệnh viện Da liễu khám trong tình trạng hai chân nổi nhiều vệt ban đỏ đau rát và có xu hướng ngày càng lan rộng ra. Anh cho biết, mấy ngày vừa qua, cứ đến tối là trong nhà anh xuất hiện khá nhiều kiến to, trên người có 3 khoang rõ rệt. Mặc dù đã rất cẩn thận bắt, giết hết kiến nhưng chân anh vẫn bị mẩn đỏ, đau rát và lan ra nhiều khu vực khác.
May mắn chưa bị kiến ba khoang cắn nhưng chị Phạm An (ngụ ở huyện Bình Chánh) rất lo sợ trước sự bùng phát mạnh của loài côn trùng này trong mùa mưa. "Mấy ngày gần đây bỗng dưng trong nhà mình xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang, cứ tiêu diệt hết đám này, hôm sau lại xuất hiện đầy nhà", chị An kể.
Dù sống ở chung cư cao tầng nhưng gia đình chị Phạm Trần Giao Linh cũng không thoát khỏi sự đột nhập của kiến ba khoang. Cứ mỗi khi mùa mưa đến, kiến ba khoang lại "tập kích" các căn hộ chung cư nơi chị Linh sinh sống.
Chị Linh cho hay: Mỗi ngày cả nhà mình đều liên tục quét nhà, truy tìm kiến ba khoang, cứ phát hiện con nào là tiêu diệt ngay thế nhưng thi thoảng kiến vẫn bò lên quần áo và nhiều lần các thành viên trong gia đình đã bị bỏng da.
Theo bác sỹ Vũ Thị Phương Thảo, mưa đầu mùa tạo điều kiện cho kiến ba khoang sinh sản và thường bay theo hướng gió vào nhà. Các bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, chỉ cần điều trị bằng thuốc giải dị ứng và thuốc thoa tại chỗ.
Tuy nhiên, người dân nếu không xử trí đúng có thể gây viêm nặng hơn, lở loét toàn thân, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Một sai lầm mà nhiều người dân thường mắc phải là thấy kiến ba khoang đã dùng tay, chân để giết kiến. Điều này là không nên bởi chất dịch trong kiến dễ dính vào da gây tổn thương. "Nếu độc tố dính vào tay mà không rửa sạch ngay, vô tình sẽ làm độc tố lan sang các vùng khác trên cơ thể", bác sỹ Vũ Thị Phương Thảo chia sẻ.
Để tránh kiến ba khoang, các bác sỹ khuyến cáo người dân nên gắn khung lưới ở các cửa sổ, cửa ra vào; ngủ mắc màn; giữ vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm xung quanh nhà và phun xịt hóa chất diệt côn trùng. Những người thường xuyên đi ra ngoài, làm vườn, làm đồng nên mặc quần áo dài tay, đi ủng, đeo găng tay để tránh kiến ba khoang và các côn trùng khác cắn, đốt.