Mới đây, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu tiếp nhận 1 trường hợp tai biến do tiêm filler để làm đầy rãnh mũi, má. Bệnh nhân L.N.L.K (26 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đến khám trong tình trạng mặt bên trái có mảng hồng ban, phù nề ở môi, rãnh mũi, má, bề mặt da đóng vảy vàng, bên trong niêm mạc miệng có vết loét, đau nguyên vùng má, hàm bên trái và vách mũi, ăn uống kém.
Theo lời bệnh nhân, trước đó 6 ngày, chị đến một viện thẩm mỹ trên địa bàn Quận 1 thực hiện tiêm 1 ml chất làm đầy với giá 3,5 triệu đồng cho 2 bên rãnh mũi, má. Khi nhân viên ở viện thẩm mỹ dùng kim để tiêm filler, chị K cảm thấy thấy đau nhói và cơn đau vẫn kéo dài sau đó. Sau tiêm 2 ngày, bệnh nhân bị sưng môi và nhân trung bên trái, đau đớn. Quay lại viện thẩm mỹ để phản ánh thì bệnh nhân được hướng dẫn đến một phòng mạch tư để xử lý. Tuy nhiên, sau điều trị 1 ngày, mặt chị K bắt đầu sưng và rỉ dịch mủ và được chuyển đến Bệnh viện Da liễu.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da cho biết, vùng mặt bên trái của bệnh nhân L.N.L.K có triệu chứng viêm, phù nề và nhiễm trùng do biến chứng của việc tiêm chất làm đầy. Theo bác sĩ Hiền, có 3 nguyên nhân có thể gây ra tình trạng tai biến này; đó là chất làm đầy không đảm bảo chất lượng, không tinh khiết dẫn đến phản ứng của cơ thể. Hoặc kỹ thuật tiêm không đúng sẽ làm chèn ép, tắc mạch máu gây phù nề và nguy hiểm hơn là hoại tử da hoặc mù mắt… Nguyên nhân thứ 3 là do không đảm bảo nguyên tắc vô trùng trước, trong và sau khi tiêm chất làm đầy. Cụ thể trường hợp bệnh nhân này có hiện tượng tắc mạch do tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến vùng da quanh miệng và nếp mũi, má tím tái, hoại tử và nhiễm trùng.
Sau khi xác định nguyên nhân, bệnh nhân L.N.L.K được chỉ định nhập viện, dùng kháng sinh toàn thân, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc vết thương hàng ngày. Dự kiến, thời gian hồi phục ít nhất phải từ 10-14 ngày, có thể để lại di chứng là sẹo, rối loạn sắc tố da…
Trước đó, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào vùng mông. Hậu quả trường hợp tai biến nhẹ thì vùng mông nổi phát ban, trường hợp nặng thì mông sưng to, xuất hiện lỗ rò và chảy dịch.
Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện tiếp nhận vài trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. “Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết chất làm đầy ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ’, bác sĩ Lê Thảo Hiền cho hay.
Cũng theo bác sĩ Lê Thảo Hiền, trong nhiều năm trở lại đây, chất làm đầy được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ. Nó giúp xóa các nếp nhăn vùng mặt, làm đầy vùng hõm má, hõm thái dương, rãnh má sâu… Ngoài ra chất làm đầy cũng được sử dụng trong một số chỉ định tạo hình thẩm mỹ như nâng mũi, làm đầy cằm, đầy môi, tạo khuôn mặt V-line…Tuy nhiên, tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật khó. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng chất làm đầy không rõ nguồn gốc và chất lượng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Để đảm bảo an toàn, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tìm đến các cơ sở uy tín, người thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề, lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối, kiểm tra hạn sử dụng. Trong trường hợp sau khi tiêm chất làm đầy nếu có dấu hiệu bất thường như đau, sưng, rỉ dịch, mờ mắt, da tím tái… cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.