Coi chừng đột tử do dị dạng mạch máu não

Đau đầu, lơ mơ, vận động yếu và không đồng đều giữa 2 chân, tay… đó có thể là những triệu chứng của bệnh dị dạng mạch máu não, căn bệnh có nguy cơ xuất huyết não, hôn mê, thậm chí có thể bị tử vong nhanh chóng.

Ngày 8/9, khoa Tim mạch can thiệp đã can thiệp nút mạch, điều trị dị dạng thông động tĩnh mạch não cho một bệnh nhân nữ, 26 tuổi, ở thành phố Thái Nguyên. Rất may, bệnh nhân đã đến viện kịp thời, tránh được những biến chứng đáng tiếc rất có thể xảy ra như xuất huyết não, hôn mê sâu dẫn đến tử vong…”, BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị, cho biết.

Nút mạch cho bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não. Ảnh: BL


Bệnh nhân là Nguyễn Thị D. (sinh năm 1990) nhập viện ngày 5/9 với các triệu chứng thường gặp như: Nhức đầu, mệt mỏi, tê nhẹ nửa người.


Gia đình bệnh nhân D. cho biết, tình cờ, trong quá trình dạy tập bơi sải, thầy giáo đã phát hiện bệnh nhân D. không thể thực hiện các động tác đồng đều giữa 2 chân, 2 tay. Bệnh nhân đã đi khám và được chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính đa dãy. Kết quả cho thấy, ở vùng đỉnh trái của bệnh nhân có khối dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM) kích thước 2,5x3,5cm (bằng quả trứng chim cút).


“Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị chính là phẫu thuật và can thiệp nút mạch (ngăn chặn máu lưu thông qua mạch dị dạng, giảm tối nguy cơ vỡ). Căn cứ hình ảnh thương tổn trên phim và sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện 108, chúng tôi quyết định áp dụng phương pháp can thiệp nút mạch. Đến nay, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, hết đau đầu đã được ra viện”, BS Bùi Long cho biết.


Theo BS Bùi Long, đáng lưu ý, bệnh nhân D. là một trong số ít bệnh nhân tự đi chụp cộng hưởng từ, kịp thời đến bệnh viện để được phát hiện thương tổn và xử trí trước khi khối dị dạng bị vỡ. Trước bệnh nhân D., bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người do khối dị dạng đã vỡ, gây xuất huyết não trầm trọng…


AVM là những bất thường bẩm sinh phát triển từ tuần thứ tư đến tuần thứ tám của thai kì khiến động mạch thông nối trực tiếp với tĩnh mạch không qua mạng lưới mao mạch trung gian. Tỉ lệ mắc bệnh ngang nhau ở cà 2 giới tính, khoảng 0,1% dân số có thể mắc bệnh này. AVM là nguyên nhân gây xuất huyết não không phải do chấn thưomg ở những người trẻ (< 35), và là nguyên nhân phổ biến gây ra tổn thương thần kinh thậm chí tử vong ở những người <20 tuổi. Phần lớn những thương tổn được phát hiện khoảng tuỗi 40 và 75% có biểu hiện xuất huyết trước 50 tuổi.


“Đây là bệnh bẩm sinh, không có biện pháp phòng tránh. Các triệu chứng khi khối dị dạng chưa vỡ như: Đau đầu, lơ mơ, mờ mắt… lại rất dễ bỏ qua và nhầm với các căn bệnh khác. Do đó, đa phần bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi đột ngột đau đầu dữ dội, lên cơn động kinh, bị xuất huyết não, liệt nửa người …”, BS Long chia sẻ.


Trong khi đó, về nguyên tắc, bệnh nhân cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ vỡ khối dị dạng. Nếu khối dị dạng tự nhiên vỡ ra (không do chấn thương), bệnh nhân sẽ bị xuất huyết não, tùy mức độ chảy máu mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau. Nếu chảy máu nặng, bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu dẫn đến tử vong. Nếu nhẹ, có thể bị đau đầu dữ dội, đột ngột kèm các dấu hiệu thần kinh như yếu liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác...


“Cần đi khám chuyên khoa thần kinh ngay khi có dấu hiệu bất thường như: Đau đầu vô cớ, tê yếu vận động dù rất nhỏ… Việc phát hiện bệnh dị dạng mạch máu não sớm, kịp thời điều trị sẽ nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị. Nếu không, dù được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân cũng sẽ phải sống chung với những biến chứng đáng tiếc như động kinh, liệt… ”, BS Bùi Long khuyến cáo.

Phương Liên
Thí sinh vỡ dị dạng mạch máu não trước kì thi

Tối 3/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu một thí sinh trong tình trạng vỡ dị dạng mạch máu não, rất nguy kịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN