Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tăng cường nâng cao sức khỏe phòng, chống dịch, quan tâm duy trì đời sống tinh thần lành mạnh, tạo tâm lý tích cực để vượt qua khó khăn cũng là điều rất cần thiết.
Tâm lý bị ảnh hưởng
Theo các chuyên gia tâm lý, dịch COVID-19 xảy ra có thể ví như một “cơn sang chấn”, vừa gây tổn thương cho sức khỏe, thể chất vừa tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của nhiều người.
Tài liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn về tinh thần và gây ra những hệ lụy về sức khỏe, tác động đến cuộc sống của chúng ta.
Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) lý giải, đại dịch như một yếu tố “kích hoạt” khiến những khó khăn, bất lợi xảy ra như phải vào bệnh viện điều trị, đi cách ly, sống trong vùng phong tỏa, công việc, học tập bị đình trệ, gián đoạn, tài chính khó khăn… Những yếu tố, hệ lụy đó dễ làm cho con người rơi vào tình trạng căng thẳng, stress.
Chị Nguyễn Thị Thanh ở Phường 4, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, là một chuyên viên trong cơ quan Nhà nước, thực hiện giãn cách, nhiều ngày nay, chị làm việc online tại nhà, một tuần chỉ đi siêu thị một lần để mua thực phẩm. Mặc dù may mắn có nguồn thu nhập tương đối ổn định song ở nhà nhiều ngày trong một không gian hẹp, không giao tiếp, trò chuyện trực tiếp với đồng nghiệp, người thân khiến chị cảm thấy không được thoải mái về tinh thần.
Anh Nguyễn Văn Chiến - chủ tiệm giải khát ở phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh luôn có tâm trạng lo âu, căng thẳng bởi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, công việc kinh doanh phải tạm ngưng, ảnh hưởng đến thu nhập để duy trì cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Thích ứng để vượt qua với tâm thế tích cực
Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, thích ứng với hoàn cảnh, coi bất lợi, trở ngại do dịch bệnh là những khó khăn có thể dần khắc phục, giữ tinh thần lạc quan, tạo niềm vui bằng các việc làm thiết thực, giữ gìn sức khỏe, rèn luyện thể lực, thực hiện đúng biện pháp phòng dịch chính là giải pháp để mỗi người có tinh thần và thể chất khỏe khoắn vượt qua mùa dịch. Bên cạnh đó nên mạnh dạn chia sẻ những khó khăn, bất ổn cả về vật chất và tinh thần mà bản thân đang gặp phải qua nhiều “kênh” như bạn bè, người thân, đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin của các cấp chính quyền, đoàn thể…
Theo Tiến sỹ tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), sự căng thẳng, bất ổn về tâm lý thường đến khi trong một hoàn cảnh, biến cố buộc mỗi người cần có sự thích nghi. Vì vậy, để không rơi vào tình trạng chủ quan, coi thường các cảnh báo về dịch bệnh nhưng không bi quan, chán nản, đón nhận và ứng phó theo chiều hướng tiêu cực, mỗi người nên có các biện pháp kiểm soát cũng như bộc lộ cảm xúc.
Chẳng hạn, không nên im lặng giữ những suy nghĩ, lo lắng, hoài nghi mà nên tìm đến các “kênh” chia sẻ uy tín, phù hợp. Thực hiện giãn cách, việc tiếp xúc trực tiếp giảm xuống tối đa, chúng ta có thể tìm niềm vui, ý nghĩa cuộc sống qua những công việc như đọc sách, học thêm một số kỹ năng trên mạng internet, thư giãn bằng các động tác thể dục sau khi làm việc và học tập tại nhà, chia sẻ thông tin chính thống, tích cực đến mọi người, thậm chí có thể tìm hiểu, tham gia hoạt động thiện nguyện phù hợp. Qua đó, chúng ta sẽ tìm được sự tự tin cho bản thân và niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống.
Các bác sĩ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên, mỗi cá nhân có thể giảm bớt căng thẳng, lo âu bằng cách không nên xem, nghe, đọc và tin thông tin liên quan đến dịch bệnh qua các trang mạng, phương tiện truyền thông không chính thống, chưa được kiểm chứng dẫn đến hai thái cực quá hoang mang hoặc quá chủ quan. Mỗi người hãy dành thời gian để thư giãn, làm việc, đọc và nghe những điều tích cực, thông tin cảnh báo về dịch bệnh từ các cơ quan truyền thông chính thống, chuyên gia có uy tín.
Ngoài ra nên duy trì kết nối với người khác qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt nếu có thể hãy kết nối với tổ chức, cộng đồng mà bạn tin tưởng để giúp đỡ người khác trong khả năng cho phép. Để có sức khỏe thể chất tốt, mỗi người có thể tập các động tác, bài tập thể dục phù hợp, có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế và hãy đi tiêm vaccine ngay khi có thể để góp phần sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Đ.N.D - sinh viên một trường đại học ở phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức) chia sẻ, dịp này, ngoài thời gian ở nhà học trực tuyến em còn tự nguyện tham gia một số hoạt động phục vụ ở “Siêu thị mini 0 đồng” của khu phố.
Tận mắt chứng kiến các công nhân trong khu nhà trọ được nhận từng túi gạo, gói mì, em rất vui. Em rất xúc động khi xem trên ti vi thấy các bác sĩ, y tá hay chiến sĩ công an, quân đội đang rất căng thẳng làm nhiệm vụ, ngăn chặn dịch bệnh. Từ đó, em thấy những khó khăn của mình như tạm thời ngừng đến trường, không thể đi làm thêm chỉ là rất nhỏ so với nhiều người khác. Cũng như nhiều người dân ở thành phố, em đã đăng ký để sớm được tiêm vaccine phòng COVID-19 và tin tưởng dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Thành phố sẽ lại có không khí sôi động, náo nhiệt như trước.