Trả lời phỏng vấn nhật báo "Izvestiya" (Tin tức) của Nga, nhà nghiên cứu Evgeni Dolgov thuộc Viện Tế bào và Di truyền học chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết ban đầu nhóm của ông tiến hành nghiên cứu các tế bào tủy sống của động vật gặm nhấm là chuột và nhận thấy một phần các tế bào gốc tủy xương của loài này có khả năng hấp thụ ADN ngoại lai.
Tiếp đó, họ nghĩ tới việc đánh dấu các đoạn ADN này bằng một loại thuốc nhuộm fluorochrome đặc biệt — đánh dấu các tế bào trong một màu sắc nhất định. Với việc sử dụng phương pháp đánh dấu này đối với 10-15 loại tế bào ung thư trên cả chuột và người, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong tất cả các loại ung thư này thực sự có dạng tế bào đặc biệt (chiếm từ 1-10% tổng số) có khả năng "nuốt" trọn ADN dị biệt là các tế bào gốc ung thư. Việc nhận diện và có biện pháp tiêu diệt các tế bào gốc ung thư sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ phát sinh khối u mới sau khi khối u ban đầu đã đươc loại bỏ.
Theo nhà nghiên cứu Dolgov, phát hiện mới nói trên sẽ không chỉ góp phần loại bỏ các ADN lạ trong khối u mà còn có thể giúp kiểm soát số lượng tế bào gốc ung thư trong cơ thể bệnh nhân, qua đó giúp các nhà khoa học hoạch định liệu pháp điều trị hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này. Ông Dolgov cũng nhấn mạnh rằng các nhà khoa học cần tiến hành thêm tổ hợp các thí nghiệm có quy mô lớn hơn nữa để xác định tính hiệu quả của phát hiện mới này và từ đó có thể áp dụng tốt trong việc điều trị ung thư trên người.