Tuy nhiên, việc phát hiện 42 trường hợp lây nhiễm HIV ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, trong đó có cả cụ già và trẻ em chưa ra khỏi lũy tre làng, bị nhiễm HIV gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, điều mà nhiều người quan tâm là con đường lây nhiễm HIV như thế nào?
Mặc dù nhiều trường hợp vẫn chưa biết chính thức mình lây nhiễm HIV từ đâu, nhưng qua phân tích của các chuyên gia y tế về những con đường lây nhiễm HIV khiến nhiều người phải giật mình, vì phơi nhiễm HIV có thể đến từ nhiều nguyên nhân khó tin trong sinh hoạt hành ngày.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã chỉ ra những nguy cơ có thể lây nhiễm HIV từ sinh hoạt hằng ngày như quan hệ tình dục thông thường, dùng chung kim tiêm, kìm cắt móng tay, bàn chải đánh răng hay gội đầu cho nhiều người mà trong đó có người nhiễm HIV nếu gây chảy máu thì hoàn toàn có thể là những nguy cơ có thể lây nhiễm HIV cho người khác. Do đó, mọi người tuyệt đối không dùng chung các vật dụng này, đặc biệt, nếu đi làm móng tại các tiệm nails thì nên mang theo dụng cụ làm móng (như kìm bấm móng, kéo, dũa...) của bản thân. Việc gội đầu cho nhiều người trên thực tế rất ít có khả năng lây nhiễm HIV vì thợ gội đầu tiếp xúc với da đầu của khách trong môi trường xà phòng. Giả sử da đầu khách có bị xước hay thợ gội đầu bị xây xát da tay thì virus cũng sẽ chết trong môi trường xà phòng. Nhưng nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn có thể xảy ra trong trường hợp người thợ gội đầu cho khách mà không dùng xà phòng.
Cũng khuyến cáo người dân cẩn thận khi sử dụng các dịch vụ làm đẹp, bác sỹ bác sỹ Mai Thị Hường, trưởng khoa khám bệnh - Bệnh viện 09 (Hà Nội) cho biết, cách đây 3 năm đã có một cô gái xinh đẹp còn rất trẻ khi đến khám tại bệnh viện và khi được thông báo nhiễm HIV cô đã rất sốc. Được hỏi về nguy cơ lây nhiễm, sau khi loại trừ các con đường lây nhiễm qua phẫu thuật, thủ thuật,..., cô nghi ngờ do 5 năm trở lại đây cô thường xuyên đi cắt sửa, sơn móng tay mà hầu như lần nào khi “cắt khóe” cũng bị chảy máu.
Theo bác sỹ Mai Thị Hường, dụng cụ làm móng nếu chỉ sử dụng cho một người thì không sao nhưng nếu sử dụng cho nhiều người, trong đó có người nhiễm HIV thì khả năng lây nhiễm HIV có thể xảy ra khi bị chảy máu. Việc dùng chung dao cạo râu cho nhiều người hay dùng chung kim khi đi phun, xăm thẩm mỹ cũng đều là nguy cơ lây nhiễm HIV khi dụng cụ này được dùng cho cả người nhiễm HIV mà không được khử trùng đúng cách thì người sử dụng sau cũng có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, các chủ cơ sở phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử trùng và người dân cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV.
Theo các chuyên gia y tế, 3 con đường chính lây truyền HIV hiện nay là qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và truyền từ mẹ sang con. Trong đó, lây truyền HIV qua con đường tiêm chích ma túy (dùng chung bơm kim tiêm tại cùng 1 thời điểm) là hình thái lây truyền chủ yếu trong đại dịch HIV/AIDS cách đây 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, với những bơm kim tiêm đã sử dụng có dính máu vứt ngoài môi trường, nếu không may bị giẫm vào, bị đâm, thì xác suất nhiễm HIV thấp hơn, chỉ khoảng 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được.
Với các loại thuốc và phương pháp điều trị hiện nay, HIV không còn là “án tử” nữa, người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể có cuộc sống như bình thường. Nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và đi điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV thì sau 3 tháng tuân thủ điều trị, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm sẽ bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp.
Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm đo tải lượng HIV không còn phát hiện nữa. Như vậy, người bệnh đã khỏe mạnh giống như người không bị nhiễm HIV và không còn lây nhiễm HIV cho người khác. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.
Theo bác sỹ Mai Thị Hường, hiện nay Bệnh viện 09 (Hà Nội) đang quản lý trên 600 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó nhiều người vẫn lập gia đình, lấy vợ, lấy chồng, có con bình thường và không lây nhiễm HIV cho con. Người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị vẫn có thể sống khỏe mạnh trong thời gian rất dài.